Đây là mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên đề ra từ nay đến năm 2025. Theo đó, 5 năm tới, diện tích chè của tỉnh dự kiến đạt 23 nghìn ha. Trong đó có 80% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.
Đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có 24 nghìn ha chè, trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 100% sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay diện tích toàn tỉnh đạt 22,3 nghìn ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 20 nghìn ha, năng suất đạt trên 118 tạ/ha, sản lượng 235 nghìn tấn. Năm 2019, toàn tỉnh đã trồng mới, trồng lại được 1,2 nghìn ha chè, nâng tổng diện tích chè giống mới toàn tỉnh đạt trên 17,5 nghìn ha. Toàn tỉnh có trên 5,5 nghìn ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn…
Với những mục tiêu đề ra theo lộ trình như trên sẽ giúp ngành Nông nghiệp có những định hướng phù hợp với xu hướng và từng thời điểm trong việc tiêu thụ sản phẩm; quản lý chất lượng và thương hiệu chè; liên kết theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường tiêu thụ; phát triển chè với văn hóa, du lịch…