Từ T.P Thái Nguyên về Huống Thượng có thể đi qua 2 cây cầu: Cầu treo Huống và cầu phao dập dềnh vắt ngang một đoạn sông. Người Huống Thượng hiền hoà, bộc trực, dễ mến, có tinh thần đồng thuận trong xây dựng quê hương. Minh chứng là việc người dân tham gia hiến đất, hiến công xây dựng hạ tầng cơ sở; giúp nhau vốn vay, kinh nghiệm sản xuất xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho biết: Huống Thượng có 10 xóm, với gần 1.700 hộ, hơn 6.700 nhân khẩu. Thu nhập bình quân năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2018. Số hộ nghèo giảm nhanh, từ 91 hộ năm 2018 xuống còn 66 hộ. Về kết quả tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 95,3% số hộ của xã đạt tiêu chí Gia đình văn hoá; 100% số xóm đạt danh hiệu xóm văn hoá. Có được kết quả này là nhờ cán bộ, nhân dân trong xã có tinh thần đoàn kết, đồng thuận khi triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Cho đến bây giờ, người dân Huống Thượng còn tự hào về “một thời để nhớ”. Mùng 1 Tết Ất Mùi 1955, Bác Hồ về thăm công trường đập Thác Huống. Bác rất vui vì nhiều người dân Huống Thượng đã tích cực tham gia công trường thuỷ lợi lớn. Bác dặn dò, động viên bà con nhân dân tích cực lao động sản xuất; tích cực đóng góp công sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển vững mạnh. Nghe lời Bác, người Huống Thượng lớp sau kế lớp trước tích cực vươn lên trong sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, tham gia đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng quê hương. Ví như năm 2009, Nhà nước nâng cấp, mở rộng tuyến đường Huống Thượng - Nam Hoà. Để công trình thi công thuận lợi, 150 hộ dân tại các xóm: Đảng, Già, Hóc, Bầu, Trám và Gò Chè đã tự nguyện hiến 2.050m2 đất. Nhiều nhất là gia đình ông Nguyễn Ánh Linh, xóm Gò Chè hiến 210m2 đất. Ông Linh tự hào: Hiến đất cho Nhà nước làm đường cũng là cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mỗi người dân.
Tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ sau 3 năm triển khai, năm 2014 Huống Thượng hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ông Dương Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã tâm đắc: Nhờ nhân dân đồng thuận, nên hầu hết các tiêu chí có liên quan đến việc xây dựng cơ sở vật chất, như: Giao thông, thuỷ lợi, nhà văn hoá đều có sự tham gia hiến đất, đóng góp tiền, công sức của người dân. Kết quả 100% số xóm có nhà văn hoá, sân chơi thể thao đạt chuẩn nông thôn mới… Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hải, xóm Huống Trung chia sẻ: Nhờ có đường bê tông thoáng rộng, người dân đi lại thuận tiện, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất cũng thuận lợi hơn… Qua khu đồng của các xóm: Bầu, Trám, Hóc, Sộp, Cậy… đều có hệ thống kênh mương dẫn thuỷ nhập điền, và hiện công trình trạm bơm Làng De, xóm Già đang tiếp tục được thi công hoàn thiện.
Nước tưới đầy đủ, nông dân chủ động hơn trong sản xuất mùa vụ. Như năm 2019, diện tích lúa gieo cấy cả năm của xã đạt hơn 471ha, trong đó có 40ha lúa lai, giống HT 3-3; BTE và J10. Năng suất bình quân đạt 57,3 tạ/ha, cao hơn so với năm trước 2,3 tạ/ha; diện tích ngô gieo trồng cả năm đạt 70,5ha, chủ yếu là giống ngô P4300 biến đổi gien, năng suất bình quân đạt 53,4 tạ/ha, cao hơn so với năm trước 4,4 tạ/ha. Sản lượng cây lương thực có hạt cả năm đạt 3.080,9 tấn, trong đó 2.074,4 tấn thóc; 376,5 tấn ngô. Ngoài cây lương thực, nông dân trong xã còn tận dụng các khu đất soi bãi trồng lạc, đỗ tương, mía, rau xanh… Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác rau an toàn cho biết: Nhiều năm trở lại đây, một số hộ dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi đất sang trồng hoa, trồng rau theo quy trình VietGAP. Như Tổ hợp tác rau an toàn của chúng tôi, với 5ha đất canh tác, 18 hộ tham gia, mùa nào rau nấy, giá trị canh tác đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm.
Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết, ở Huống Thượng có nhiều hộ dân đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, như mô hình xưởng cơ khí sản xuất nông cụ của gia đình ông Vũ Văn Sơn, xóm Trám; mô hình cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Kim Liễu, xóm Bầu. Khi được hỏi tổng thu nhập, ông Liễu nói hóm hỉnh: Không nhớ, mà chỉ biết từ 5 năm gần đây, gia đình tôi thu hoạch được 3,5 tấn thóc, 20 tấn ngô và hơn 20 tấn lợn hơi. Toàn bộ ngô thu hoạch được dùng cho chăn nuôi lợn.
Đang những ngày tháng Ba, đi trên đồng đất Huống Thượng, tôi cảm nhận dưới chân mình đang có những chuyển dịch mùa vụ. Các khu đồng lúa xuân đã bén rễ hồi xanh; từng vạt rau liền thửa rào rào lớn… Thành quả lao động của người dân góp phần trực tiếp làm đổi thay diện mạo một vùng đất bên sông Cầu. Tôi thầm nhủ: Có một Huống Thượng đổi mới như hôm nay là bởi các thế hệ cán bộ lãnh đạo địa phương năng động, biết “mở cửa” hoà nhập và biết huy động sức dân, đồng thuận góp sức cùng Thành phố vươn lên.