Nỗ lực giành thắng lợi vụ xuân

15:19, 12/04/2020

Sản xuất vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết có mưa nhiều, độ ẩm cao nên bà con không phải lo lắng về nguồn nước tưới. Tuy nhiên, đó lại là môi trường thuận lợi cho các loại sâu, bệnh xuất hiện, gây hại trên cây trồng. Trước tình hình trên, vấn đề đặt ra đối với ngành Nông nghiệp hiện nay là vừa đảm bảo cung ứng đầy đủ các loại vật tư phục vụ sản xuất, vừa chú trọng công tác phòng, trừ sâu bệnh để không làm ảnh hưởng đến năng suất vụ xuân.

Có mặt tại cánh đồng xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) sáng 11-4, chúng tôi quan sát thấy bà con nông dân đang tập trung xuống đồng làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây lúa. Bà Vi Thị Thu, một hộ dân trong xóm chia sẻ: Nhà tôi cấy 3 sào lúa Khang dân. Thời điểm này, cây lúa đang thời kỳ chuẩn bị đón đòng nên tôi vừa mới bón phân Kali; đồng thời, phun thuốc trừ sâu cuốn lá và dùng nilon quây xung quanh ruộng để hạn chế chuột cắn phá lúa. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của các loại sâu bệnh để có biện pháp phun phòng, trừ kịp thời.

Còn cửa hàng vật tư nông nghiệp của gia đình anh Đoàn Công Quý, ở xóm Gò Cao, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) luôn có khách ra vào hỏi mua phân bón, thuốc trừ sâu. Anh Quý chia sẻ: Ngoài bán vật tư đảm bảo chất lượng, tôi cũng tận tình hướng dẫn, tư vấn cho bà con các loại thuốc, phân bón phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Cùng với đó, khuyến cáo bà con cách bón phân cân đối, vì bón nhiều phân đạm sẽ gây lốp cây, dễ nhiễm các loại sâu bệnh.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 29.100ha lúa, đạt 101% kế hoạch và hơn 11.600 cây màu các loại. Để đảm bảo cung ứng vật tư phục vụ sản xuất, từ đầu vụ đến nay, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh, cùng các đơn vị liên quan đã cung ứng ra thị trường trên 900 tấn thóc giống, 63 tấn ngô giống và trên 8.000 tấn phân bón các loại. Giá bán giống cây trồng và các loại phân bón phục vụ sản xuất vụ xuân ổn định, không tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi quan sát thấy, hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái - làm đòng. Trên các trà lúa đã xuất hiện một số sâu bệnh gây hại. Cụ thể: Bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ trung bình 0,4-1,5%, nơi cao 4-6%, cục bộ có nơi trên 10% lá bị hại; bệnh khô vằn với tỷ lệ hại trung bình 3%, nơi cao 5-10%, cục bộ 20-30% rảnh bị bệnh; tỷ lệ bệnh cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, ruồi đục nõn… xuất hiện gây hại với mật độ tỷ lệ thấp. Đối với cây ngô, đã xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại từ đầu tháng 3 với mật độ trung bình 0,5 con/m2, nơi cao từ 2-3 con/m2. Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Cùng với việc tuân thủ đúng khung thời vụ gieo cấy, bảo đảm đúng cơ cấu giống thì khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa cũng là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến năng suất, sản lượng lúa. Để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của các loại sâu bệnh, phòng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh để kịp thời hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, trừ hiệu quả.

Anh Đoàn Công Quý, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xóm Gò Cao, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tư vấn cho người dân về phân bón cho các loại cây trồng.

Nhận định về tình hình dịch hại từ nay đến cuối vụ, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Dự báo, trong những ngày tới, thời tiết có những đợt không khí lạnh kèm trời âm u, mưa phùn, là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát triển mạnh và gây hại nặng trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời. Đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lá, đạo ôn cổ bông xuất hiện gây trên các giống như: TBR225, BC15, Thiên ưu, J02, nếp… Ngoài ra, sâu đục thân tiếp tục gây hại, gây rảnh héo trên trà xuân muộn và bạc bông trên trà lúa xuân chính vụ; mật độ gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng cũng sẽ tăng nhẹ vào cuối tháng 4, trong tháng 5 trên trà lúa chắc xanh - đỏ đuôi… Vì vậy, bà con nông dân không được chủ quan, lơ là. Khi phát hiện có ổ bệnh đạo ôn hại lúa, bà con cần dừng bón phân đạm và sử dụng một trong các thuốc sau để phun trừ: Kasai 16.2SC, 21.2WP; Katana 20SC; Lúa vàng 20WP; Starsuper 20SL, 60WP… Đối với bệnh khô vằn, bà con phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Validacin 5SL; Saizole 5SC… Bà con lưu ý, phun đúng liều lượng, nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì; sau khi phun thuốc từ 5-7 ngày, nếu thấy bệnh chưa dừng phải tiến hành phun lại.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, hiện tại, mực nước tại các hồ đập khá dồi dào, đủ cung cấp tưới dưỡng cho diện tích lúa vụ xuân của tỉnh. Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi điều tiết nước tưới hợp lý phục vụ sản xuất. Cùng với đó, khuyến cáo người dân sử dụng nước tưới hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước. Ngoài ra, do thời gian chuyển tiếp từ vụ xuân sang vụ mùa diễn ra trong thời gian ngắn nên ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con, khi lúa xuân chín cần khẩn trương thu hoạch nhanh gọn để làm đất phục vụ sản xuất vụ mùa. Trước khi gieo cấy lúa mùa, bà con cần tập trung vệ sinh đồng ruộng, diệt mầm sâu bệnh cũng như tránh ngộ độc hữu cơ.

Có thể thấy, việc ngành Nông nghiệp cùng bà con nông dân nỗ lực phấn đấu giành thắng lợi trong sản xuất vụ xuân không chỉ đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp.