Sau những ngày rét “nàng Bân”, tiết trời ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) bừng sáng hơn khi ánh mặt trời ló rạng. Tranh thủ nắng ấm, nông dân lên đồi chăm sóc những cây chè đang hồi xanh, trổ búp sau khoảng thời gian “bị đốn đau”. Vậy là từ đây, khi chè chuẩn bị bước vào chính vụ, hơn 320 hộ dân trong xóm sẽ tất bật với việc chăm bón, thu hái, chế biến chè.
Nằm trong vùng chè “Trại Cài - Đồng Hỷ”, từ lâu sản phẩm chè Cà Phê đã được nhiều người thưởng trà biết đến bởi hương thơm, vị đượm; nước trà có màu mật ong sóng sánh, chát nơi đầu lưỡi, ngọt nơi cuống họng. Anh Trần Xuân Điển, Trưởng xóm Cà Phê cho hay: 100% hộ dân trong xóm đều trồng chè. Trung bình mỗi hộ có từ 5 đến 7 sào chè, hộ nhiều có từ 1 đến 1,5 mẫu chè. Bén rễ ở vùng đất này gần 70 năm rồi nhưng phải đến đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, chè mới được coi là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ dân nơi đây.
Trong câu chuyện với anh Điển, chúng tôi cảm nhận ở vị trưởng xóm này tình yêu tha thiết với cây chè quê hương. Lớn lên cùng với những thăng trầm của vùng chè, anh không thể quên những ngày người dân nơi đây lao đao vì sản phẩm chè búp bị mất giá. Anh bảo: Khoảng 20 năm trước, có thời điểm chè mất giá thảm hại, người làm chè thất thu nhưng không ai “từ bỏ” cây chè mà trái lại, bà con luôn tìm hướng đi mới cho sản phẩm chè của mình. Vậy là các giống chè mới như Kim Tuyên, chè Nhật, LDP1 được nhiều người chủ động đưa vào trồng thay thế cho những diện tích chè trung du đã già cỗi, xuống cấp. Sau vài năm, giống chè mới cho thu hoạch, năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán cao hơn nên nhiều nhà trong xóm đã mạnh dạn nhân rộng diện tích chè giống mới. Đặc biệt là 5 năm trở lại đây, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, người dân đã chuyển đổi 90% diện tích sang trồng giống chè lai LDP1 (xóm hiện có 110ha chè). Nếu như cuối năm 2014, qua khảo sát, năng suất chè bình quân của xóm mới đạt từ 13 đến 14 kg chè búp khô/sào/lứa (giống chè Trung du cho 7 lứa/năm, giống chè LDP1 cho 8 lứa/năm) thì nay đã đạt từ 18 đến 20kg chè búp khô/sào/lứa. Theo chị Nguyễn Thị Dung, một người dân trong xóm (gia đình chị hiện có 5 sào chè giống mới) thì đây là kết quả nằm ngoài sự mong đợi của người dân trong xóm.
Khi đã đạt được năng suất cao, người làm chè lại hướng tới việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm chè búp khô. Các hộ dân luôn có sự cạnh tranh trong sản xuất, chế biến. Thay vì lạm dụng các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bà con đã tích cực sử dụng các loại phân chuồng, hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong chăm bón chè. Quá trình thu hái luôn đúng kỹ thuật, chè mang về chế biến ngay (các hộ dân đều đã đầu tư tôn quay, máy sao, vò chè)… Nhờ đó, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên. Nay, loại chè búp khô có giá bán thấp nhất của xóm đã ở mức từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg; loại trung bình là từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg; nhiều loại thượng hạng được bán với giá từ 400 đến 500 nghìn đồng/kg… Giá bán này cao gấp đôi so với 4, 5 năm trước.
“Mục sở thị” khu sản xuất chè tập trung rộng 20ha của xóm Cà Phê, chúng tôi không thể rời mắt khỏi những luống chè đều tăm tắp, được cắt tỉa gọn gàng. Điều đáng nói là từ năm 2017 đến nay, các con đường nội đồng ở đây đã được cứng hóa tạo điều kiện cho người dân đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Những hộ có diện tích chè nằm trong khu vực này đang chủ động tiếp cận với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Anh Điển cho biết thêm: Xóm đã có 14ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để có thêm 20ha chè nữa đạt tiêu chuẩn này, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, nhất là yêu cầu bà con nắm được quy trình sản xuất và áp dụng vào thực tế. Mọi người luôn cố gắng đồng tâm, hiệp lực để hoàn thành mục tiêu trong năm tới bởi đây chính là “tấm vé thông hành” giúp sản phẩm chè của Cà Phê được “thăng hạng” trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhờ cây chè, cuộc sống của người dân xóm Cà Phê đã được nâng lên khi xóm không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu chiếm tới hơn 40%; gần 100% hộ dân đã xây được nhà kiên cố, “tậu” được xe máy, tivi và nhiều vật dụng sinh hoạt khá hiện đại. Kinh tế ngày càng được nâng lên, nhiều gia đình trong xóm đã tạo điều kiện cho con cái được đi học lên cao đẳng, đại học và có công việc ổn định…
Chúng tôi rời Cà Phê - xóm nông thôn kiểu mẫu của Minh Lập khi ánh hoàng hôn màu tím đã bao phủ, “ôm” trọn cả vùng quê tràn đầy sức sống vào “lòng”. Phía xa xa, dòng sông Cầu chầm chậm trôi như nguồn “sữa mẹ”, bồi đắp, nuôi dưỡng cho những cây chè xanh tốt quanh năm. Có lẽ đây chính là lời lý giải vì sao vùng đất Cà Phê đẹp và cây chè nơi đây luôn tươi tốt, cho hương thơm, vị đượm đến như vậy. Nếu được các nhà đầu tư “đánh thức”, mảnh đất đẹp đẽ này không chỉ mang đến sản phẩm chè đặc sản cho thị trường mà còn trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với mọi người.