Phú Lương là địa phương có diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh (chỉ sau huyện Đại Từ). Tuy nhiên, tổng sản lượng thủy sản của huyện chỉ đứng thứ 4 toàn tỉnh. Điều này cho thấy huyện chưa phát huy được tiềm năng thủy sản.
Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Phú Lương đạt 670ha (tăng 150ha so với năm 2015), đứng thứ hai trên địa bàn tỉnh. Với diện tích mặt nước lớn, đặc điểm địa hình đa dạng, Phú Lương có điều kiện phát triển nhiều loại hình nuôi thuỷ sản như: Nuôi lồng bè trên hồ chứa; nuôi ở ao, suối; nuôi kết hợp trong ruộng lúa… Đối tượng thủy sản nuôi trồng đa dạng như: Rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép… Những tiềm năng này là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế từ nguồn lợi thuỷ sản. Anh Hoàng Văn Lược, xóm Hạ, xã Yên Đổ cho hay: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thuỷ sản, năm 2017, tôi đã vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang mở rộng diện tích ao lên 7 sào nuôi cá trắm, rô phi đơn tính, chép, trôi… Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm tôi thu được 8 tấn cá, lợi nhuận đạt 80 triệu đồng. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tăng đàn và tiếp tục vay vốn để lắp đặt máy bơm, máy sục khí công suất lớn, máy ép cám… Qua đó, từng bước phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh.
Tuy nhiên, hộ anh Hoàng Văn Lược chỉ là một trong số ít hộ trên địa bàn huyện chú trọng phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Mặc dù có nhiều tiềm năng như vậy nhưng lĩnh vực thuỷ sản của huyện chưa được chú trọng phát huy nên giá trị mang lại chưa tương xứng. Năm 2019, tổng sản lượng thuỷ sản trên địa bàn huyện Phú Lương đạt 1.120 tấn và đứng thứ 4 toàn tỉnh. Qua tìm hiểu tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân khiến ngành thuỷ sản của huyện khó phát triển là do tập quán nuôi cá của người dân còn lạc hậu. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Đoá, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: Phủ Lý có 56ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó chủ yếu là các ao của gia đình. Hiện nay, phần lớn diện tích ao, hồ trên địa bàn chỉ nhằm phục vụ hoạt động tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ có khoảng 10ha là nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bán thâm canh, còn lại đa số người dân nuôi theo hình thức quảng canh, tự phát, chưa nhằm mục đích phát triển kinh tế. Vì thế, năm 2019, sản lượng thuỷ sản toàn xã chỉ đạt 82 tấn.
Bên cạnh đó, hiện nay, đa số người dân cũng chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Anh Phạm Văn Thanh, xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý cho hay: Từ năm 2011 đến nay, tôi tận dụng 1.500m2 ao của gia đình để nuôi cá, nhằm tăng thu nhập. Tuy nhiên, tôi chủ yếu nuôi cá trắm cỏ vì có thể tận dụng được nguồn thức ăn là cỏ, lá chuối… xung quanh nhà. Ngoài ra, tôi còn nuôi xen các loại cá khác như rô phi đơn tính, chép, trôi, nhưng số lượng không nhiều. Bởi lẽ, để các loài này phát triển tốt thì chúng tôi phải đầu tư mua cám công nghiệp, máy bơm công suất lớn để thay nước thường xuyên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa muốn đầu tư vì không biết đầu ra thế nào.
Ngoài ra, Phú Lương là địa bàn miền núi nên các ao, hồ, đầm phân bố không tập trung, cách xa nhà dân nên công tác quản lý rất khó khăn. Vì thế, nhiều người dân cũng không mặn mà phát triển thuỷ sản. Về phía chính quyền địa phương, huyện chưa dành sự quan tâm thoả đáng để phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn. Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Từ năm 2019 trở về trước, huyện cũng chưa có chương trình hỗ trợ về nuôi trồng thuỷ sản mà chỉ định hướng người dân tận dụng diện tích mặt nước hiện có vào nuôi trồng theo hướng thâm canh hoặc bán thâm canh. Từ năm 2019, huyện mới có chương trình phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản tỉnh thành lập được 3 tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản ở xã Phủ Lý, Yên Đổ, Động Đạt. Đầu năm 2020, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện đã có phương án phân bổ hỗ trợ phát triển vùng sản xuất thuỷ sản hàng hoá tập trung trong ao, hồ chứa theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, quy mô mỗi vùng có diện tích mặt nước 3ha trở lên, nuôi thâm canh các đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao…
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT): Phú Lương là địa phương rất có lợi thế phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Để ngành thuỷ sản phát huy tương xứng với tiềm năng, các cấp chính quyền huyện nên quan tâm, chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá; có chính sách khuyến khích bà con đầu tư phát triển, tập huấn nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; đối với các hồ chứa do huyện, xã quản lý có thể thực hiện giao khoán cho người dân hoặc tổ chức nào đó, để vừa đảm bảo được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển nguồn lợi thuỷ sản…