Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và dịch COVID-19, phần lớn hộ chăn nuôi gà gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi quy mô trang trại theo hình thức gia công lại không bị ảnh hưởng, sản phẩm của bà con vẫn được các công ty bao tiêu đều đặn. Ghi nhận của chúng tôi tại một số trang trại trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Trong thời gian khó khăn vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại không bán được gà hoặc bán với giá thấp thì trại chăn nuôi gà gia công của gia đình anh Nguyễn Hồng Phong, ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo vẫn xuất cho Công ty đều đặn, mang lại nguồn thu ổn định. Với 40.000 con sắp được xuất bán, dự kiến, lứa gà này, gia đình anh Phong sẽ thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Anh Phong chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi đã ký hợp đồng chăn nuôi với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Với thời gian nuôi mỗi lứa dao động từ 40-45 ngày, khi gà đạt khoảng 3 kg/ con, Công ty sẽ đến thu mua và trả tiền công chăm sóc. Nhờ áp dụng toàn bộ quy trình chăn nuôi khép kín nên gà lớn nhanh, tránh dịch bệnh và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cũng là một trong số những hộ chăn nuôi gà gia công, đầu năm 2019, anh Đoàn Việt Dũng, chủ trang trại nuôi gà ở xã Khe Mo đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gà gia công cho Công ty Emivest Việt Nam. Trang trại chăn nuôi của anh Dũng có diện tích hơn 1.000m2, trị giá đầu tư gần 3 tỷ đồng, trong đó 50% chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, 50% đầu tư cho các trang thiết bị chăn nuôi. Chia sẻ với chúng tôi, anh Dũng cho biết: Sở dĩ tôi lựa chọn chăn nuôi gia công vì đầu ra ổn định, giá cả không chịu sự tác động của thị trường. Đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay, trại của chúng tôi vẫn được xuất bán đúng thời điểm, thu lãi ổn định.
Không riêng gia đình anh Phong, anh Dũng, thời gian vừa qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi gà theo hướng gia công. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có 94 trang trại chăn nuôi gà, trong đó có 40 trang trại chăn nuôi gà gia công. Lợi thế của việc chăn nuôi theo hình thức gia công là hộ chăn nuôi được doanh nghiệp đầu tư trọn gói từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và vắc xin; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi, thu hồi sản phẩm và thanh toán tiền công nuôi theo kết quả chăn nuôi cho người dân. Đổi lại, người chăn nuôi sẽ phải xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và an toàn dịch bệnh cho từng loại vật nuôi. Trong quá trình sản xuất, hộ nuôi gia công phải bảo đảm lao động, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến chợ, trường học, xí nghiệp, nhà máy... trên cả nước phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến tình trạng người chăn nuôi, nhất là những hộ tự chăn nuôi gà không bán được hoặc giá bán thấp bởi nguồn cung lớn hơn cầu.
Tuy nhiên, riêng đối với các trang trại chăn nuôi gà gia công lại không bị ảnh hưởng. Bởi, các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho các trang trại chăn nuôi gà gia công trên địa bàn huyện đều là những tập đoàn lớn, sản phẩm chăn nuôi của họ ngoài cung ứng cho chuỗi các nhà hàng còn cấp cho hệ thống siêu thị trên toàn quốc nên giá bán ổn định. Qua đây cũng có thể thấy rằng, chăn nuôi gia công đang là một trong những lựa chọn của nhiều hộ dân hiện nay. Đây cũng là một trong những định hướng của Nhà nước nhằm tạo chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Quang, mặc dù chăn nuôi gia công đem lại nguồn thu ổn định song đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn nên không phải hộ dân nào cũng làm được. Do đó, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, huyện đang khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ hoặc có thể tham gia theo chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp, các hợp tác xã làm đầu mối thu gom sản phẩm của người dân…