Nổi tiếng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, sản phẩm chè của nông trường chè Sông Cầu (Đồng Hỷ) được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nhưng trước những biến động của thị trường, chè Sông Cầu dần mất đi vị thế, nhiều người ly hương tìm kế sinh nhai khác, nhưng người làm chè ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu bất kể lúc chè thịnh hay suy vẫn buồn vui với chè, kiên trì gìn giữ nghề.
Không thể xuất khẩu, ở thị trường trong nước, giá chè lao dốc, người làm chè lao đao. Nhiều người trồng chè ở Đồng Hỷ từng phá chè trồng keo. Những đồi keo ngạo nghễ hiện nay như minh chứng sự thoái trào của chè Sông Cầu. Nhiều người chọn ly hương tìm cho mình một kế sinh nhai khác. Thế nhưng, ở một khu dân cư, bất kể lúc chè thịnh hay suy người dân vẫn kiên trì gìn giữ nghề ông cha truyền lại. Đó là người làm chè ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu (nay là tổ 4 sau khi sáp nhập thêm xóm 7 và xóm 12).
Hôm nay, đến Sông Cầu, hình ảnh đầu tiên là những sóng chè thoai thoải, những bông mẫu đơn rực rỡ nhờ được nắng chạy từ chân lên tới tận đỉnh đồi. Rẽ vào khu dân cư xóm 9, những nương chè nối tiếp nhau, màu xanh lan mãi đến tận cổng nhà cuốn theo mùi chè tươi dịu ngọt; lối vào nhà của nhiều gia đình, những cây đào đang nảy lộc non sau kỳ khoe sắc chào Xuân, những khóm hồng với đủ màu sắc đang bung cánh như mời gọi… Nơi đây không chỉ có chè ngon mà đang dần hình thành một địa điểm du lịch sinh thái chắc chắn sẽ làm hài lòng bất cứ ai yêu thiên nhiên và ưa khám phá.
Giữa đồi chè xanh non, tiếng hát khoan nhặt lúc lên bổng, khi xuống trầm, cùng với đó là những giọng cười giòn tan trong nắng sớm. Dừng xe, tôi đến tận nơi để được hòa vào những thanh âm ấy. Thì ra, bà con xóm 9 vừa hái chè vừa văn nghệ để tinh thần lao động được thăng hoa. Tôi nói vui thay cho câu chào thông thường: Chè được hái nhờ những con người vui vẻ và giọng hát ngọt ngào thế này chắc hẳn sẽ có hương vị đặc biệt. Hơn 20 người trên nương chè dành cho người lạ là tôi nụ cười thân thiện. Thoăn thoắt ngắt từng búp chè non mỡn, chị Phan Thị Ly chia sẻ: khoảng 7 năm trước, chè rẻ, kinh tế khó khăn quá, 2 vợ chồng tôi từng nghĩ hay bỏ chè để đi làm ở các khu công nghiệp. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại. Cha ông bao đời nay đã gắn bó với chè, bỏ đi không nỡ. Hơn nữa xung quanh mọi người vẫn bám trụ được thì tại sao mình lại không làm được. Thế là lại bảo nhau gắng gượng thêm một thời gian. Sau đó Dự án làm chè sạch được triển khai tại Sông Cầu, gia đình tôi may mắn được tiếp cận và kiên trì làm theo. Giờ thì chúng tôi biết sự lựa chọn của 2 vợ chồng 7 năm trước là hoàn toàn sáng suốt. Gần 5 năm nay, chưa lứa chè nào tôi phải mang ra chợ bán. Thực hiện đúng quy trình chăm sóc chè an toàn nên toàn bộ sản phẩm làm ra đều được hợp tác xã trên địa bàn thị trấn thu mua với giá ổn định. Chưa giàu có nhưng nhờ chè chúng tôi cũng xây được căn nhà vững chãi và sắm sửa những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống.
Tiếng hát tạo thêm niềm vui trong lao động của người dân xóm 9, thị trấn Sông Cầu.
Đứng kế bên, anh Vũ Ngọc Cường thông tin thêm: Ở xóm 9 này, vài năm trở lại đây đã không còn ai dùng thuốc diệt cỏ bơm lên nương chè. Trước đây, đi hái chè, trời nắng, mùi thuốc bốc lên còn bị say. Bây giờ nếu nhà nào phun thuốc không đúng quy định sẽ không có ai đến hái chè cho. Trong xóm chúng tôi cũng bảo nhau, từng khu cùng nhau hái hết lứa mới đồng thời chăm bón. Nông dân chúng tôi vẫn nói với nhau, chè sạch hay không cứ nhìn con gà nuôi thì biết. Trước gà lên đồi tìm ăn, con nào cũng bị bệnh khô chân, giờ thì lên đồi chè bới ăn cả ngày cũng không bị…
Xóm có hơn 100 hộ dân, trừ một số cán bộ nghỉ hưu thì đại đa số người dân trong xóm đều làm chè. Xóm 9 (cũ) hiện có 50ha chè kinh doanh trong tổng số 60ha chè (Sau khi sáp nhập, tổ 4 có 115ha chè), trong đó, 30ha nằm trong mô hình sản xuất chè an toàn thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương. Năm 2012, làng nghề chè xóm 9 được thành lập. Anh Nguyễn Đức Trọng, Trưởng làng nghề chè xóm 9 chia sẻ: Đời sống của người làm chè chúng tôi đổi thay rõ rệt. Nhà ít nhất cũng thu về 7-8 triệu/lứa, nhà nhiều 15 - 20 triệu/lứa. Mọi phong trào ủng hộ, quyên góp hay đối ứng người dân trong xóm thực hiện dứt điểm trong 1 ngày. Gần đây nhất là việc đối ứng xây dựng cây cầu Đá ở xóm. Cùng với xi măng được Nhà nước hỗ trợ, chỉ trong vòng 5 ngày, bà con đã đóng góp và làm hoàn thành cây cầu có trị giá hơn 60 triệu đồng. Đường bê tông đã vào đến tận ngõ từng nhà với điện chiếu sáng đầy đủ, hầu hết các gia đình đều mua sắm được các thiết bị giúp cuộc sống thuận tiện hơn, đến nay xóm không còn hộ nghèo.