Những năm qua, tỉnh có chủ trương khuyến khích các địa phương chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các giống cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi này bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, mở hướng làm giàu cho bà con nông dân trong tỉnh.
Nếu như trước đây, với mỗi sào lúa, gia đình chị Trần Thị Thau, ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) chỉ thu được 1,4 tạ thóc. Sau khi trừ các chi phí như: Thuê máy cày bừa, mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê máy gặt… gia đình chị chỉ còn được lãi chưa đến 200 nghìn đồng/sào sau hơn 3 tháng vất vả chăm sóc. Từ ngày địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chị Thau đã mạnh dạn trồng ổi trên 5 sào ruộng của gia đình. Đến nay, sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, cây ổi đã cho thu hoạch, hầu như tháng nào gia đình chị cũng có thu nhập từ tiền bán ổi. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thau phấn khởi cho biết: Ổi là loại cây trồng dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, cho ra quả rải rác quanh năm. Từ lúc cây bắt đầu ra quả là chúng tôi tiến hành bọc bằng ni-lon để quả đẹp, hạn chế ong, ruồi vàng gây hại. Hiện nay, với giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg, mỗi sào ổi chúng tôi thu được từ 13-15 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Tương tự, 6 sào đất cấy lúa 1 vụ của gia đình bà Nguyễn Thị Hanh, ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) hiện đã được chuyển hẳn sang trồng màu quanh năm. Bà Hanh chia sẻ: Cánh đồng của chúng tôi chủ yếu là đất pha cát nên các chân ruộng thường không giữ được nước, thiếu nước vào cuối vụ, năng suất lúa không cao. Trước đây, gia đình tôi cấy 1 vụ lúa và trồng 1 vụ màu thì nay đã chuyển sang trồng rau màu 4 vụ/năm, với các loại cây như: Hành, dưa chuột, mướp đắng, mướp hương, rau cải… Trung bình mỗi sào trồng màu cũng cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng/vụ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 6.000ha đất trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó cây hàng năm là gần 6.000ha, cây lâu năm gần 200ha; diện tích gieo trồng lúa 2 vụ kết hợp nuôi thủy sản đạt gần 650ha. Chủ trương đúng đắn của tỉnh được nhân dân đồng tình vào cuộc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh ta đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Cụ thể như: Vùng trồng ổi ở Phú Thượng, na ở La Hiên, bưởi Diễn ở Tràng Xá (Võ Nhai); vùng trồng nhãn, cam, bưởi ở các xã Phúc Thuận, vùng trồng rau ở Đông Cao, Tân Hương, phường Ba Hàng… (T.X Phổ Yên); vùng trồng hoa tại Huống Thượng, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)… Thực tế sản xuất cho thấy, việc chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 45 triệu đồng/ha, cây hoa khoảng 1 tỷ đồng/ha, cây ăn quả trên 300 triệu đồng/ha, cây chè trên 400 triệu đồng/ha… so với trồng lúa.
Theo đánh giá của các địa phương, đa phần các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào và đa dạng cung ứng cho thị trường. Đồng thời, giúp cải thiện nguồn dinh dưỡng trong đất, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nguồn nước tưới.
Lợi ích kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả đã rõ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc chuyển đổi phải bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước, tránh tình trạng tự phát. Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, chị Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho biết: Đối với các hộ có nhu cầu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả phải đến UBND xã đăng ký và làm giấy cam kết không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra công tác chuyển đổi ở từng hộ, nghiêm cấm việc làm nhà ở, công trình không phục vụ sản xuất nông nghiệp trên khu đất chuyển đổi.
Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung dồn điền, đổi thửa, khuyến khích tích tụ đất đai, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả thấp, tiếp tục mở rộng diện tích chè, lúa chất lượng cao, rau, hoa chuyên canh, diện tích trồng cây ăn quả thâm canh với chất lượng giống tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên 1ha đất canh tác. Đối với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, bà con có nhu cầu chuyển sang trồng chè, Sở Nông nghiệp - PTNT sẽ tổng hợp số liệu của các huyện, thành, thị và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp - PTNT xin cơ chế đặc thù để cải tạo diện tích đất phù hợp với điều kiện đất trồng chè.