Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ đã triển khai đào tạo nghề gắn với xây dựng mô hình sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất.
Ông Hứa Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai từ năm 2013. Ở cấp huyện, công tác này được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (trước đây là Trạm Khuyến nông) triển khai. Theo đó, chúng tôi đã triển khai đào tạo nghề gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương: như nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi ong mật; trồng đào, quất cảnh... Các lớp học nghề được xác định theo nhu cầu của học viên và đề xuất của cấp xã, phương pháp đào tạo chú trọng thực hành là chính nên học viên có thể áp dụng ngay vào thực tế. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn.
Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Sỹ, ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình. Sau khi tham gia lớp học nghề nuôi ong mật vào năm 2019, anh Sỹ đã áp dụng kiến thức đã học để nâng quy mô đàn ong từ 2 lên 17 đàn và sẽ còn tiếp tục tăng đàn trong thời gian tới. Anh Sỹ cho biết: Trước đây, tôi đã nuôi ong nhưng hiệu quả thấp. Sau đó, tôi tham gia lớp học nghề và nắm được các kỹ thuật tách đàn, chăm sóc đàn ong theo mùa, trừ địch hại… Từ đó, hiệu quả tăng lên rõ rệt.
Giống như anh Sỹ, kiến thức từ lớp dạy nghề nông nghiệp cũng giúp ông Chu Viết Hướng, xóm Bình Ca, xã Minh Lập nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Hướng bộc bạch: Tham gia lớp học trồng đào, quất cảnh, đặc biệt là được đi thực tế tại làng trồng hoa đào Nhật Tân (Hà Nội) khiến tôi nhận ra cây đào có thể cho giá trị kinh tế rất cao nếu biết trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Hiện nay, tôi đã nắm vững các kiến thức chăm sóc hoa đào tùy điều kiện thời tiết, biết tỉa và uốn dáng phù hợp. Cây đào hiện nay cho giá trị cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng đại trà như trước.
Không chỉ dạy nghề cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Hỷ còn phối hợp với các xã hỗ trợ học viên xây dựng mô hình sản xuất gắn với nghề đã học. Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Xã đang phối hợp với Trung tâm hỗ trợ bà con về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật để xây dựng vùng sản xuất hoa đào tập trung. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu đào, quất cảnh xã Minh Lập.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ mở 2-3 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với 60-100 học viên tham gia. Theo đánh giá, sau khi tham gia lớp dạy nghề, trên 95% học viên duy trì và mở rộng quy mô sản xuất. Thu nhập bình quân từ sản xuất nông nghiệp của các học viên tăng từ 1-3 triệu đồng/người/tháng sau học nghề. Theo thống kê sơ bộ, đã có trên 70 mô hình sản xuất quy mô vừa và lớn được các học viên triển khai sau khi tham gia lớp học nghề. Nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có thể nói, công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp người lao động có cơ hội được học nghề, tự tạo việc làm, nâng cao mức sống...