Giảm nghèo từ phát triển kinh tế đồi rừng

08:24, 20/05/2020

Xã Liên Minh (Võ Nhai) có diện tích tự nhiên trên 7.330ha, trong đó trên 4.409ha là đất lâm nghiệp. Những năm qua, ngoài trồng chè, nhiều hộ dân trong xã đã tận dụng lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần nâng cao thu nhập.

Phong trào trồng rừng bắt đầu được triển khai ở xã Liên Minh từ năm 1993, khi bà con nhân dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo Chương trình 327. Sau nhiều năm chăm sóc, một số hộ trong xã có thu nhập từ rừng lên tới hàng trăm triệu đồng/năm thì phong trào này từng bước phát triển rộng khắp trong xã với rất nhiều hộ hưởng ứng, tham gia trồng rừng theo các dự án của Nhà nước, như: Dự án 661, Dự án 147... Từ năm 2010 đến nay, nhờ được đầu tư nguồn vốn theo các dự án trồng rừng, người dân trong xã đã trồng được trên 1.720ha rừng. Ngoài ra, bà con còn mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng hàng nghìn ha rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ việc trồng rừng. Đến nay, Liên Minh có 2.151ha rừng phòng hộ, trên 2.258ha rừng sản xuất, chủ yếu trồng các loại cây: keo, mỡ, bồ đề. Mỗi năm, rừng ở Liên Minh cho khai thác trên 4.300m3 gỗ. Xã cũng có 80% số hộ trồng rừng, hộ ít thì 1-2ha, hộ nhiều lên tới 30-40ha. Điển hình như gia đình anh Nông Văn An ở xóm Nác. Anh An cho biết: Gia đình tôi trồng được khoảng 30ha keo tai tượng. Mỗi năm, gia đình khai thác bán khoảng 5ha rừng, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Nhờ vậy, vợ chồng tôi đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua được ô tô tải để chở hàng hóa và đầu tư cho các con học hành được tốt hơn...

Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi chủ đạo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, bảo vệ đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Hằng năm, xã đều tổ chức cho bà con đăng ký trồng rừng, triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ của các dự án trồng rừng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Vì thế, nhiều diện tích trồng trước đây bỏ trống đã được bà con cải tạo, tận dụng trồng rừng.

Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cấp ủy, chính quyền xã còn khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tại địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 cơ sở chế biến lâm sản, với sản phẩm chủ yếu là gỗ bóc, giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 40 lao động. Anh Bùi Văn Toàn, ở xóm Vang cho biết: Hiện gia đình tôi có 2 xưởng gỗ bóc, 1 xưởng gỗ băm ở 2 xóm Vang và Thâm. Mỗi tháng, 2 xưởng gỗ bóc chế biến được khoảng 200m³, xưởng gỗ băm chế biến được 200 tấn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, một phần nhờ phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, cuộc sống của nhiều hộ dân ở Liên Minh ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm. Nếu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 55% thì đến nay, con số đó đã giảm xuống còn 22%. Hiện, số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ trồng rừng chiếm trên 20% số hộ dân trong xã.