Huyện Phú Bình hiện có trên 6.600 người theo Công giáo, sinh hoạt ở 10 giáo họ thuộc 2 giáo xứ là Nhã Lộng, xã Nhã Lộng và La Tú, xã Tân Khánh. Những năm qua, phát huy tinh thần “sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện đã nỗ lực phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Có hơn 2ha đất đồi nên giáo dân Nguyễn Văn Thịnh, xóm Đồng Bầu, xã Tân Khánh đã lựa chọn phát triển kinh tế theo mô hình V-A-C: Trồng gần 1ha keo, trên 100 gốc cây ăn quả vải, nhãn, bưởi, kết hợp chăn thả hàng nghìn con gà/lứa, đào ao thả cá, trung bình mỗi năm thu lãi 150-200 triệu đồng… Ông Thịnh cho biết: Được địa phương tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi nên tôi và nhiều hộ dân khác đã mạnh dạn triển khai. Dần dần, nhiều gia trại đã phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, chúng tôi đã tập hợp để thành lập HTX gà đồi Đông Thịnh. Đến nay, HTX có 10 thành viên, chăn nuôi từ 45-50 nghìn con gà/lứa.
Theo ông Nguyễn Anh Võ, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh: 4 xóm trong xã có trên 90% người Công giáo gồm: Đồng Bầu, Làng Tranh, La Muôi, La Tú. Đây đều là những địa phương có thế mạnh về chăn nuôi gà, trồng rừng. Để giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, xã tập trung làm tốt công tác thú y, tiêu độc khử trùng, cấp cây, con giống theo các dự án hỗ trợ của Nhà nước… Qua đó đời sống đồng bào giáo dân nơi đây dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo đều giảm dần qua các năm, đơn cử như xóm La Tú, tỷ lệ hộ nghèo từ 40% (năm 2015) giảm còn 15% (năm 2019); xóm La Muôi từ 35% (năm 2015) giảm còn 11% (năm 2019); Làng Tranh 25% (năm 2015) giảm còn 5% (năm 2019)…
Còn tại xã Nhã Lộng, đồng bào công giáo sinh sống chủ yếu ở xóm Đô, Náng (chiếm trên 90%), xóm Soi 1, 2, Chiễn 1, 2 (chiếm trên 50%). Với thế mạnh về đất đai, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bà con giáo dân xóm Đô, Náng đã linh hoạt đưa nhiều giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, đẩy mạnh xen canh gối vụ, phát triển các mô hình trồng rau an toàn, trồng hoa... Giáo dân Nguyễn Thị Hoa, xóm Náng, xã Nhã Lộng chia sẻ: Ngoài 5 sào lúa, tôi trồng thêm 3 sào rau màu. Mùa nào rau đó, vụ này tôi đang trồng dưa chuột, hành giống. Trồng rau tôi thấy thu nhập cao gấp 2,5-3 lần so với trồng lúa… Còn với giáo dân ở xóm Soi 1, 2, Chiễn 1, 2, tận dụng lợi thế có tuyến Quốc lộ 37 chạy qua, đến nay đã có 40 hộ dân mạnh dạn phát triển các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, cho nguồn thu nhập ổn định. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Những đóng góp của đồng bào Công giáo trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp…