Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi giá lợn xuống thấp, cộng với thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lao đao. Hiện nay, giá lợn cao, tình hình dịch bệnh cũng đã được kiểm soát, nhiều hộ dân bắt đầu tập trung tái đàn để khôi phục sản xuất. Trước tình hình trên, các cấp chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh đã có những chính sách khuyến khích các nông hộ, doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, tránh tái đàn, tăng đàn ồ ạt.
Thời điểm này, giá thịt lợn cao nhưng trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lương Thanh Đài, ở xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ (Phú Lương) không có lợn để bán. Bởi, đàn lợn con mới nuôi của gia đình anh phải sau từ 3 đến 4 tháng nữa mới đạt trọng lượng xuất chuồng. Bên cạnh đó, 20% số lợn bột sản xuất ra sẽ được trang trại giữ lại để gây lợn nái hậu bị. Theo anh Đài, phải mất ít nhất 2 năm mới gây lại được đàn nái như thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Do số lượng đầu nái giảm, gia đình anh Đài còn không có đủ lợn giống để nuôi chứ chưa nghĩ tới việc bán lợn con, mặc dù giá lợn giống hiện tại lên tới 2,5 đến 2,8 triệu đồng/con và đang khan hiếm.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) chia sẻ: Mặc dù giá lợn hiện đang ở mức cao nhưng chúng tôi cũng lo đến lúc xuất chuồng giá lại thấp thì lỗ vốn. Bởi, tái đàn ở thời điểm này, ngoài giá lợn giống tăng cao, giá thức ăn cũng tăng, chúng tôi còn phải mất thêm 15% chi phí cho công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh khu vực chăn nuôi. Nếu như trước đây, chi phí để nuôi 1 con lợn có giá trung bình từ 3,5-3,7 triệu đồng/con/100kg thì nay lên tới trên 5 triệu đồng/con/100kg.
Hiện nay, đa phần các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang gặp trở ngại lớn do giá lợn giống quá cao và khó mua. Cộng với nguyên nhân thiếu vốn và lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, gây rủi ro lớn nên nhiều hộ chăn nuôi e dè tái đàn. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tổng đàn lợn của tỉnh hiện có trên 540.000 con, trong đó có gần 100.000 con lợn nái, lợn đực giống và trên 400.000 con lợn thịt, bằng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước thực trạng trên, để tạo điều kiện cho các hộ dân tái đàn đảm bảo an toàn, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy với số tiền gần 266 tỷ đồng. Đồng thời, làm tốt công tác tiêm phòng đợt 1 trên đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc.
Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình chia sẻ: Thời gian qua, ngành chức năng của huyện đã triển khai tốt công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi và cấp 2.000 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc tại các khu chăn nuôi tập trung, các chợ… Còn ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên thì cho biết: Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều được ngân sách tỉnh hỗ trợ từ 50-70% kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng một số loại bệnh.
Một trong những tín hiệu tích cực đối với các hộ chăn nuôi là hiện nay, 250 con lợn bố mẹ nhập khẩu đã về đến Việt Nam. Đây là lô lợn đầu tiên trong tổng số 20 nghìn con lợn nái và 200 con lợn đực giống được nhập khẩu từ Thái Lan về để nhân giống đáp ứng nhu cầu con giống tái đàn của bà con trong cả nước. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi không vì giá cao mà tái đàn, tăng đàn ồ ạt, quan trọng nhất vẫn là bảo đảm các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh.