Phát triển kinh tế đồi rừng ở Đại Từ

09:38, 29/05/2020

Đại Từ là địa phương có diện tích rừng thuộc tốp đầu của tỉnh với trên 29.500ha, trong đó diện tích rừng sản xuất là gần 14.800ha với sản lượng gỗ chính phẩm trung bình đạt 25.000 m3/năm. Từ lợi thế đó, những năm qua, nhiều người dân nơi đây đã tập trung vào trồng rừng, gia tăng diện tích, nâng cao phẩm cấp rừng trồng, từ đó đem lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho bà con.

Cát Nê hiện là một trong bốn xã có diện tích rừng sản xuất lớn nhất trên địa bàn huyện với trên 1.300ha. Toàn bộ diện tích này đã được người dân phủ xanh bằng những vạt keo nội, keo lai từ 2-3 năm đến 6-7 năm tuổi. Ông Vũ Ngọc Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho hay: Gần 80% tổng số hộ dân trong xã tham gia trồng rừng. Thông qua các chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, nhân công… do đó, bà con ngày càng tích cực mở rộng diện tích rừng sản xuất. Năm 2020, diện tích rừng trồng mới của xã đạt gần 400ha (tăng hơn 200ha so với năm 2015), rừng trồng ngày càng có chất lượng và phát huy hiệu quả kinh tế. Sản lượng gỗ trung bình đạt trên 2.000 m3/năm. Kinh tế rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt 35 triệu đồng/người/năm (năm 2015 là 25 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn 6,7% (năm 2015, tỷ lệ này là 12,5%).

Phát triển kinh tế từ rừng trồng cũng là một trong những chương trình của xã Minh Tiến nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân. Cùng với cây lúa, cây chè thì keo cũng là loại cây đem lại thu nhập chính cho bà con nơi đây với sản lượng trung bình đạt gần 1.000m3/năm. Với diện tích rừng sản xuất gần 1.000ha, toàn xã có trên 800 hộ trồng rừng. Trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, nhiều cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện đã được thành lập, chuyên sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm là gỗ rừng trồng khai thác trên địa bàn. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 50 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh gỗ bóc, ván dăm. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở chế biến đồ mộc gia dụng. Không chỉ tạo đầu ra cho người dân trồng rừng, các cơ sở chế biến lâm sản này còn góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như xưởng sản xuất pallet gỗ của gia đình anh Lý Bá Thu, ở xóm Trung Nhang, xã Cát Nê đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, 100% nguyên liệu sản xuất tại xưởng của anh Thu là từ nguồn gỗ keo dồi dào tại địa phương. Trung bình mỗi tháng, xưởng của anh sản xuất từ 120-150m3 gỗ, đem lại doanh thu từ 300-400 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cho biết: Các sản phẩm từ rừng đem lại nguồn thu khá cao, do vậy những năm gần đây ngày càng có nhiều hộ dân tham gia trồng rừng, tập trung nhiều nhất tại các xã: Yên Lãng, Cát Nê, Minh Tiến, Phúc Lương... Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, không ít hộ dân đã tự bỏ vốn để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhờ vậy, chỉ tiêu trồng rừng mới hàng năm của huyện đều vượt từ 15-20% kế hoạch. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật, chế độ chính sách lâm nghiệp trên địa bàn, phát triển trồng rừng gỗ lớn, khuyến khích người dân kéo dài chu kỳ khai thác, từ đó tạo nguồn gỗ chất lượng, gia tăng sản lượng. Đồng thời, đưa các loại cây có giá trị, đặc biệt là cây dược liệu trồng dưới tán rừng, hình thành các mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp…