Đã hơn chục năm trở lại đây, vườn rau gia đình ông Nguyễn Đức Minh, xã Sơn Phú (Định Hóa) trở thành địa chỉ tin cậy về cung cấp rau an toàn vệ sinh thực phẩm (rau sạch). Dù nằm khuất trong xóm Bản Thanh, cách trung tâm xã gần 5 cây số, nhưng gần như vụ rau nào gia đình ông cũng bán tại vườn.
Thầy giáo Phùng Đức Lai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, cho biết: Với gần 300 suất ăn nội trú, nhất là ở huyện miền núi, vấn đề lo thực phẩm hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Dịch vụ cung ứng tại chỗ nhiều thời điểm không đủ phải đi thu gom ở xa. Chính vì vậy vườn rau an toàn của gia đình ông Minh là lựa chọn thuận lợi nhất cho Trường. Điều quan trọng nhất là nhà vườn đã cam kết bảo đảm an toàn cho học sinh trong mỗi bữa ăn từ nhiều năm.
Cùng với các trường học trên địa bàn xã “đặt hàng”, lượng khách hàng đến mua và đi giao bán vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện đã bảo đảm ổn định đầu ra cho gia đình ông Minh. Hiện gia đình ông Minh có hơn 3 sào đất vườn canh tác rau luân canh, gối vụ và gần 1ha đất đồi thấp để canh tác các loại rau có chu kỳ phát triển dài ngày có thể cung ứng được vài tấn rau, củ các loại mỗi vụ. Ông Minh cho biết: “Ban đầu cũng khó bán, vì rau không đẹp, nhưng mình làm cho gia đình ăn, nên coi trọng yếu tố an toàn về sức khỏe lên trên hết”.
Với mức thu nhập sau khi trừ các chi phí ban đầu và công chăm sóc đạt 10 triệu đồng/sào/năm, 3 sào rau sạch gia đình ông Minh vượt gấp cả chục lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Ông Minh nhẩm tính: Để sản xuất ra 1 sào lúa thì từ đầu vụ đến khi thu hoạch người nông dân phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của từ các loại chi phí như làm đất, gieo cấy, làm cỏ, tiền giống, tiền thuốc trừ sâu, công gặt hơn 1 triệu đồng. Mỗi năm cấy 2 vụ, trừ mọi chi phí, chia cho 12 tháng thì thu nhập từ 1 sào lúa chỉ còn 80.000-120.000 đồng/tháng. Khó nhất trong sản xuất rau sạch là tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Ông Minh cho biết thêm: Đã có những lúc gia đình không có người làm công, tôi tuổi tác đã ngoài 70, sức khỏe không còn tốt, nên tính tạm nghỉ, nhưng không ngày nào khách hàng không gọi điện đặt mua. Vậy là lại cố tìm thuê người làm giúp. Ông chia sẻ thêm kinh nghiệm về trồng cà chua: Nếu thời điểm ra hoa, ban ngày mà buông lưới thì không có côn trùng tham gia thụ phấn, mức độ đậu quả thấp. Chính vì vậy, gia đình ông Minh luôn chú ý đến những thời điểm quyết định việc sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Trước khi thu hoạch, bao giờ ông Minh cũng tuân thủ đúng quy trình là dừng tất cả các hoạt động bón thúc, trừ sâu bệnh hại trước 10-12 ngày, mà chỉ buông lưới bảo vệ cây, tưới nước giữ ẩm.
Trăn trở lớn nhất đối với mô hình sản xuất rau sạch như hộ gia đình ông Minh là muốn hợp tác mở rộng. Muốn chuyên canh thì phải có đất rộng, đồng chất đất, môi trường, điều kiện canh tác...nhưng ruộng đồng trong xóm, xã lại nhỏ lẻ, mỗi nhà có một cách tính toán riêng. Chính vì vậy, vấn đề nhân rộng vùng rau an toàn thành vùng hàng hóa tập trung cần thực hiện dồn điền đổi thửa, phải có sự hợp tác chặt chẽ trong chuỗi kết nối cung - cầu.