Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 39.500ha lúa, 4.750ha ngô, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Để gieo trồng hết diện tích nói trên thì cần có hơn 1.100 tấn giống lúa và hơn 66,5 tấn giống ngô. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang tích cực triển khai công tác cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng, kịp thời phục vụ bà con.
Những ngày này, tại các chi nhánh, cửa hàng thuộc hệ thống bán lẻ của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, lượng giống, phân bón đã được tập kết đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Cụ thể, Công ty đã nhập về 15.000 tấn phân bón và hơn 200 tấn giống lúa, ngô các loại. Hằng năm, Công ty đều cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các đơn vị cung ứng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách nhằm đạt hiệu quả cao. Anh Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Đồng Hỷ (Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên) cho biết: Trước đây, cùng một loại phân bón, bà con dùng chung cho các loại cây trồng khác nhau. Sau khi được tập huấn, bà con đã sử dụng các loại phân chuyên dùng cho cây lúa, chè hoặc cây rau màu vào thời điểm bón lót hoặc bón thúc. So với mọi năm, giá phân bón, giống cây trồng năm nay ổn định, không có biến động. Riêng đối với mặt hàng phân đạm, giá còn giảm trung bình 700 đồng/kg. Để cạnh tranh với các đơn vị cung ứng vật tư trên địa bàn, chúng tôi đã nhập hàng hóa đủ chủng loại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đồng thời, tổ chức cung ứng đến các đại lý đảm bảo đúng khung thời vụ.
Cũng giống như Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, thời điểm này, Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh đang tích cực cung ứng các loại giống lúa, ngô phục vụ nhu cầu của bà con trong tỉnh. Anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã xuất kho 40/75 tấn giống lúa các loại đi các địa phương. Về nguồn gốc giống, chúng tôi nhập từ các đơn vị có uy tín trong nước. Trong mỗi gói giống lúa, chúng tôi còn dán nhãn giới thiệu rõ xuất xứ, nguồn gốc giống cũng như quy trình kỹ thuật ngâm ủ để hạt đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất.
Ngoài các đơn vị nói trên, toàn tỉnh hiện còn có 850 cơ sở kinh doanh phân bón, 340 cơ sở kinh doanh giống cây trồng. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, nguồn cung phân bón và giống khá dồi dào, giá bán tương đối ổn định, là điều kiện thuận lợi cho bà con tiến hành sản xuất vụ mùa. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh để ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người nông dân. Cùng với đó, các địa phương cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng cơ cấu giống, lựa chọn mua giống lúa, phân bón từ những doanh nghiệp có uy tín, chất lượng đảm bảo; không sử dụng những giống lúa chưa có trong danh mục.
Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật: Lúa vụ mùa có thời gian sinh trưởng ngắn và phát triển hoàn toàn trong mùa mưa bão; thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nên nguy cơ sâu bệnh, đổ ngã, lép hàng loạt là rất lớn. Vì vậy, bà con nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, hạn chế gieo cấy giống nhiễm và nhạy cảm với bệnh bạc lá trên chân đất thấp trũng.
Về cơ cấu mùa vụ, trà mùa sớm (phấn đấu đạt 50% tổng diện tích trở lên), bà con gieo mạ từ ngày 25-5 đến 5-6, cấy từ ngày 10 đến 20-6; trà mùa trung (chiếm 30% diện tích), gieo mạ từ ngày 10 đến 20-6, cấy từ ngày 25-6 đến 10-7 và trà mùa muộn (chiếm 20% diện tích), gieo mạ từ ngày 5 đến 15-6, cấy từ ngày 5 đến 20-7.