Xác định chè là một trong những cây trồng thế mạnh, những năm qua, T.X Phổ Yên đã quan tâm đầu tư, sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP. Từ đó, tạo ra các sản phẩm chè có chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng.
Chúng tôi tìm về xã Phúc Thuận, một trong những vùng chè có tiếng của T.X Phổ Yên. Chủ tịch Hội Nông xã Phúc Thuận, ông Lê Vĩnh Thịnh đưa chúng tôi đi tham quan mô hình của Tổ sản xuất chè VietGAP xóm 7. Ông Lê Vĩnh Thịnh giới thiệu: “Tổ sản xuất chè VietGAP xóm 7 được thành lập từ năm 2012, hiện có trên 10ha chè được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 40 hộ dân tham gia”. Chị Nguyễn Thị Mai, thành viên của Tổ vừa thoăn thoát hái chè vừa trò chuyện: Gia đình tôi có 3 sào chè và bắt đầu sản xuất theo quy trình VietGAP từ khi Tổ được thành lập. Từ đó đến nay, gia đình tôi đã chuyển từ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hóa học sang sinh học; bón phân đủ liều lượng, thời gian quy định để giúp cây chè hấp thụ chất dinh dưỡng được tốt nhất.
Rời vùng chè Phúc Thuận, chúng tôi tới xã Minh Đức. Một phần nhờ tập trung sản xuất chè, những năm gần đây, đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2,1% tương đương với 43 hộ. Toàn xã hiện có 200ha chè, trong đó 16ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP với 50 hộ dân tham gia. Anh Nguyễn Văn Trọng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP xóm Lầy 6 cho biết: Chè được trồng theo quy trình VietGAP cho giá bán cao hơn từ 30-60 nghìn đồng/kg, do đó người dân thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm (tăng hơn 20% so với hộ trồng chè thông thường). Ngoài ra, chi phí thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ha chè.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho hay: Hiện nay, diện tích chè cho sản phẩm trên địa bàn thị xã vào khoảng 1.655ha. Đến nay, Thị xã đã thành lập được 14 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP với diện tích đạt 150ha (chiếm gần 10% tổng diện tích chè). Đối với các tổ sản xuất chè VietGAP, từ khi áp dụng trồng chè theo hướng hữu cơ, an toàn, năng suất chè đã tăng lên 120 tạ/ha (tăng hơn khoảng 30 tạ so với cách đây 4 năm); giá bán 1kg chè búp khô cao hơn 1,2-1,5 lần.
Ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên đánh giá: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đối với cây chè, Thị xã đã từng bước hình thành các vùng chè an toàn, tập trung. Theo đó, Thị xã đã vận động các hộ đăng ký tham gia tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (6 triệu đồng/ha); hỗ trợ vật tư để lắp 150 điểm tưới nước tiết kiệm trên diện tích khoảng 45ha… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay, việc duy trì hiệu quả các tổ sản xuất chè VietGAP cũng có những khó khăn, hạn chế như: Thiếu sự liên kết tiêu thụ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các hộ dân trong tổ sản xuất; đầu ra sản phẩm chưa ổn định do chưa xây dựng được thương hiệu… Trong thời gian tới, Thị xã phấn đấu mở rộng diện tích trồng chè VietGAP thêm 30ha, thành lập mới 4 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP; cùng với đó là tăng cường tuyên truyền cho các tổ sản xuất chè VietGAP chú trọng hơn trong việc đầu tư mở rộng vùng chè, tích cực nâng cao thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân…