Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Dương Thành (Phú Bình) được chọn là An toàn khu, một số địa danh của xã đã từng là nơi ở và làm việc của nhiều đồng chí cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ... Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Dương Thành đã không ngừng phấn đấu đưa địa phương phát triển nhanh và toàn diện.
Theo tài liệu còn lưu lại, trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp, quyết định mở rộng Mặt trận thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Cùng thời gian này, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định chọn các xã giáp ranh, chủ yếu là 3 xã Hoàng Vân, (Hiệp Hòa, Bắc Giang), Kha Sơn (Phú Bình), Tiên Phong (Phổ Yên) làm An toàn khu thứ II (gọi tắt là ATK II). Xã Dương Thành nằm trong khu vực các xã giáp ranh 3 huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phú Bình, Phổ Yên nên cũng được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm ATK II. Cuối năm 1940, xóm Phẩm 2 và xóm Giàng xã Dương Thành là nơi ở và hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ tháng 11/1948 đến tháng 5/1951, các địa bàn làng Giàng và làng Đót thuộc xã Dương Thành là nơi Trường Bổ túc Quân chính Liên khu 1 (từ tháng 11/1949 là Trường Bổ túc Quân chính Liên khu Việt Bắc - nay là Trường Quân sự Quân khu 1) đóng quân và đào tạo cán bộ cho quân đội.
Đến năm 1953, xã Dương Thành cùng với 3 xã Thanh Ninh, Tân Đức, Lương Phú (lúc đó nằm trong xã Đức Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) được Trung ương chọn làm thí điểm chỉ đạo thực hiện giảm tô. Thông qua giảm tô, giai cấp nông dân đã phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Cũng trong cuộc kháng chiến này, nhân dân trong xã đã động viên 155 con em xung phong tòng quân tham gia chiến đấu trên các chiến trường; 16 người đi thanh niên xung phong; đóng góp 15.900 kg lương thực... Với thành tích ấy, xã Dương Thành đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Nhiều giống ngô lai năng suất cao được người dân xã Dương Thành đưa vào gieo trồng.
Viết tiếp những trang sử hào hùng của địa phương, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Dương Thành đã phát huy truyền thống, không ngừng phát triển xây dựng quê hương ngày một khởi sắc. Đặc biệt là từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thì đời sống của bà con nhân dân trong xã đã có nhiều đổi thay, nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng, trường học, Trạm Y tế xã đều đạt chuẩn; 100% các xóm có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi. Đến nay, sau gần 10 xây dựng nông thôn mới, Dương thành đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Nhiều tuyến đường được mở rộng do cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nguyện hiến đất. Điển hình như ở xóm Xuốm, để mở rộng và bê tông hóa 2km đường trục xóm, hàng chục hộ dân đã hiến hơn 1.000m2 đất.
Trong phát triển kinh tế, xã đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, nhiều mô hình được xã triển khai hiệu quả, điển hình như việc thực hiện cánh đồng một giống. UBND xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Bình chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt cánh đồng một giống với diện tích từ 15- 20ha tại các xóm: Núi 3, Núi 4, An Thành, Trung Thành; tuyên truyền chỉ đạo nhân dân đưa các giống có tiềm năng, năng suất vào sản xuất đại trà; áp dụng kỹ thuật thâm canh cải tiến SRI trên cánh đồng một giống… do đó năng suất lúa ở xã luôn đạt cao (hơn 56 tạ/ha), sản lượng lương thực có hạt duy trì ổn định và đạt trên 4.000 tấn.
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân trong xã.
Ngoài chú trọng phát triển nông nghiệp, xã Dương Thành còn tập trung chỉ đạo các xóm vận động nhân dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại; duy trì, phát triển Hợp tác xã chăn nuôi ngựa bạch với hơn 40 thành viên... Thu nhập bình quân đầu người ở xã Dương Thành hàng năm được nâng lên, hiện nay đã đạt gần 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ gần 10% (năm 2015) xuống còn hơn 3%... Bà Thân Thị Loan, ở xóm Phú Dương 2 là một trong những hộ mạnh dạn trong phát triển kinh tế cho biết: Trước kia, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, thu nhập cũng chỉ đủ ăn, nhưng 3 năm nay, tôi đầu tư vào mô hình nuôi chim cút với mỗi lứa nuôi từ 2.000 - 3.000 con nên kinh tế gia đình đã được cải thiện đáng kể, trung bình mỗi tháng tôi được thu khoảng 6 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi này.
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành cho biết: Có được kết quả này là nhờ sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã. Người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống mà lớp lớp cha anh đã gây dựng, coi đó là sức mạnh tinh thần để cùng nhau vượt mọi khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.