Những ngày qua, thời tiết liên tục xuất hiện nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 36-38 độ C, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đảm bảo duy trì sản xuất.
Tăng cường che chắn, làm mát chuồng trại, cung cấp đủ nước uống, tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh… là những biện pháp đang được các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng để phòng, chống nóng cho đàn gia súc, gia cầm. Đơn cử như tại trang trại 500 con lợn của gia đình ông Đàm Văn Mười, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), những ngày này, hệ thống giàn lạnh cộng với quạt thông gió được vận hành hết công suất để đảm bảo thoáng mát cho đàn lợn. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Mười chia sẻ: Chăn nuôi trang trại quy mô lớn nên chúng tôi đã đầu tư trang bị hệ thống làm mát từ giàn nước và quạt thông gió, áp dụng với chuồng kín nên nhiệt độ trong chuồng luôn thấp hơn 6 độ C so với nhiệt độ bên ngoài. Hằng ngày, chúng tôi vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; khơi thông cống rãnh để hạn chế phân, nước tiểu đọng lại trong chuồng; đồng thời định kỳ phun khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi 2 lần/tuần. Hiện nay, việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trước diễn biến thời tiết nắng nóng luôn được gia đình tôi ưu tiên hàng đầu.
Không chỉ riêng gia đình ông Mười mà nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung chống nóng cho đàn vật nuôi. Bởi, bà con đã nắm rõ, khi nắng nóng kéo dài ở trên nền nhiệt cao mà không có những biện pháp kỹ thuật phòng, chống thì dễ dẫn đến tình trạng gia súc, gia cầm bị kiệt sức, có thể bị chết, gây thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, nắng nóng cũng làm giảm khả năng sinh đẻ đối với gia cầm. Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp chủ động phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Những đợt nắng nóng diễn ra gay gắt thường ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi, làm giảm sức đề kháng nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, bà con cần giảm mật độ nuôi nhốt vật nuôi trong mùa hè, đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát cho gia súc, gia cầm uống và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh.
Cùng với việc chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, bà con nông dân cũng đang tích cực áp dụng các biện pháp bảo vệ cây trồng. Đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi quan sát thấy, đối với các hộ trồng rau, hoa… bà con tiến hành che ánh nắng trực tiếp bằng lưới đen, đồng thời bổ sung nước, dinh dưỡng nâng cao khả năng phát triển và sinh trưởng cho cây. Đối với các hộ trồng các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, ổi… bà con tiến hành bọc vỏ bao xi măng hoặc bìa các-tông bên ngoài quả để hạn chế tình trạng rám quả. Đồng thời, hạn chế được việc các loại sâu bệnh như ong châm, ruồi vàng… gây hại quả.
Thời tiết nắng nóng diễn ra đúng vào cao điểm mùa gặt nên bà con nông dân cũng đã thay đổi giờ làm việc để đảm bảo sức khỏe. Bà Nguyễn Thị Chảng, ở xóm Giữa, xã Xuân Phương (Phú Bình) chia sẻ: Vào những ngày trời nắng gắt, gia đình tôi thường dậy sớm và bắt đầu đi gặt lúa từ 4, 5h sáng đến tầm 9, 10h là nghỉ. Sau đó, đến tầm 16h trời bớt nắng chúng tôi mới lại xuống đồng. Ngoài ra, nước đường chanh đá được chúng tôi đựng trong phích giữ nhiệt ở trên bờ để giải nhiệt. Nắng to, chúng tôi thu hoạch lúa vất vả hơn nhưng bù lại việc phơi thóc lại nhàn hơn, chỉ cần phơi 2 nắng là có thể đem quạt sạch cất vào thùng.
Tính đến ngày 3-6, thời tiết nắng nóng chưa gây ra thiệt hại gì trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra trong những ngày tới. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi.