Chuyện về một tỷ phú người dân tộc Ngái

11:00, 16/06/2020

Sinh ra, lớn lên ở vùng chè đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên), ông Lê Quang Nghìn, 51 tuổi, dân tộc Ngái, xóm Hồng Thái II “yêu” cây chè như sinh mệnh của mình. Đây cũng chính là lý do ông dành tâm huyết để phát triển cây trồng này. Dù vượt qua không ít khó khăn, nhưng người con của đồng bào dân tộc Ngái ấy đã thu được thành quả mà rất nhiều nông dân trong tỉnh phải mơ ước.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh…” - trong thư Bác gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, nên ông Nghìn luôn tâm niệm làm giàu cho gia đình mình chính là góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Vì lẽ đó, những năm qua, ông không ngừng vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông nói: Lợi thế lớn nhất của tôi là lớn lên trong gia đình có truyền thống 5 đời làm nghề chè. Bởi thế, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được các cụ truyền nghề để sản xuất ra được thứ chè thành phẩm đặc sản làm nức lòng những người thưởng trà.

Có thâm niên gần 40 năm trong trồng, chế biến, kinh doanh chè nơi mảnh đất Tân Cương nên ông Nghìn đã trải qua không ít thăng trầm của người trồng chè. Ông bảo: Những năm đầu thế kỷ XXI, người làm chè lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học để “thúc” cho cây chè nhanh ra búp. Sau đó, các hộ dân đã phải trả giá đắt khi bị người tiêu dùng quay lưng, giá bán chè búp khô giảm mạnh và điều đáng lo ngại nhất là nhiều diện tích chè, dù trồng chưa được bao lâu đã có biểu hiện thoái hóa, xuống cấp.

Vậy là một cuộc “cách mạng” đã được ông Nghìn thực hiện để vực dậy cây chè. Thay vì sản xuất chè theo phương thức cũ, ông chuyển sang trồng, thu hái, chế biến theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Thời gian đầu chuyển đổi phương thức sản xuất chè, ông gặp không ít khó khăn khi cây chè bị sâu bệnh hại, năng suất giảm… Nhưng sau một thời gian đầu tư chăm bón, diện tích chè của gia đình đã hồi phục, không chỉ cho năng suất cao mà còn cho sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng… Đến nay, khoảng 1ha chè của gia đình (80% diện tích chè Trung du, 20% diện tích chè giống mới LDP1) đang phát huy hiệu quả với sản lượng hằng năm đạt khoảng 3,2 tấn chè búp khô các loại, từ chất lượng đặc sản đến cao cấp, thượng hạng. Ông cho hay: Tôi duy trì sản xuất chè Trung du là bởi loại giống này cho sản phẩm trà búp khô mang hương thơm dịu nhẹ, vị đậm đà hơn so với những giống chè mới; được các “tín đồ” thưởng trà ưa chuộng.

Không dừng lại ở đó, gia đình ông còn liên kết với các hộ có các đồi chè liền kề để sản xuất chè theo quy trình VietGAP và thu mua sản phẩm chè búp tươi với số lượng lớn (khoảng 12 tấn chè búp tươi/năm, tương đương 2,4 tấn chè búp khô) để chế biến và cung cấp cho các cửa hàng, đại lý kinh doanh chè ở các tỉnh, thành trong nước, nhất là thị trường Hà Nội. Nhờ đó, mỗi năm, doanh thu từ cây chè của gia đình đạt con số 2 tỷ đồng.

Đáng nói là với cách làm đầy mới mẻ, ông đã biết phát huy thế mạnh sẵn có của vùng chè đặc sản để đầu tư vào mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) và tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè cho khách du lịch thập phương đến tham quan có nhu cầu tìm hiểu văn hóa chè địa phương. Ông cho hay: Mô hình này hiện đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với cách nhìn nhận và sự đầu tư nghiêm túc, có kế hoạch rõ ràng, gia đình tôi đã thu hút một lượng khách khá ổn định trong những năm qua và có được khoản thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ông Lê Quang Nghìn đóng gói sản phẩm chè.

Với doanh số khoảng 2,2 tỷ đồng thu được từ sản xuất, kinh doanh chè, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia (homestay), sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông “để ra” được món tiền lớn (khoảng 1,4 tỷ đồng/năm). Và sự nỗ lực ấy của ông được nhiều cấp, ngành của tỉnh, thành phố khen thưởng, trong đó có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh chè góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015... Ông cho hay: Đây chính là nguồn động viên nhưng cũng là “áp lực” để gia đình tôi không “ngủ quên” trong chiến thắng.

Luôn tâm niệm thành công không ở lại nếu chúng ta không thường xuyên cố gắng nên thời gian tới, cùng với việc duy trì mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia và tiếp tục sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông Nghìn sẽ tìm các biện pháp hiệu quả để làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào quá trình sản xuất chè, từ đó, tiếp tục nâng cao và làm tăng giá trị thương hiệu sản phẩm chè Tân Cương. Đặc biệt, là tìm kiếm các thị trường nội tiêu phù hợp với năng lực cung ứng và mục tiêu, phương châm kinh doanh của gia đình.

Tuy nhiên, để  thực hiện tốt kế hoạch này, gia đình ông mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn thuộc các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh; được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu chè “Nghìn Hạnh” ngày càng hiệu quả hơn…