Cơm mới nói chuyện lúa mới

14:25, 03/06/2020

Những chùm vải đầu mùa đỏ dần dưới nắng hè cũng là tín hiệu báo mùa gặt mới. Thời gian này, ở khắp các làng quê, đâu đâu cũng bắt gặp không khí hối hả, chộn rộn với rạ rơm, thóc lúa trong vụ thu hoạch. Nụ cười của người nông dân ánh lên niềm vui về một cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Vốc lên tay những hạt thóc đã khô giòn sau một ngày phơi được nắng, chị Hoàng Thị Phượng, xóm Vinh Quang 1 (phường Châu Sơn, T.P Sông Công) cởi mở kể chuyện làm ăn.

Nhiều năm nay, chỉ với 3 sào ruộng, thóc gạo nhà chị Phượng làm ra ăn không xuể, còn dư để chăn nuôi bò, lợn, gà, vừa có trứng thịt cho bữa ăn hàng ngày, mỗi năm cũng bán được một vài lứa lợn, có đồng ra đồng vào và dành dụm mua sắm đồ đạc. Vụ xuân này, tuy thời tiết không thuận, nhiều thửa ruộng bị mất mùa, song diện tích lúa của chị Phượng vẫn cho thu hoạch khá, mỗi sào cũng được 1,8 tạ thóc khô.

- Các giống lúa lai chống chịu sâu bệnh và thời tiết rất tốt, như năm nay suốt từ đầu năm đến gần thu hoạch đều có mưa to, rét đậm xen kẽ nắng nóng nhưng lúa C25 của nhà tôi chỉ giảm năng suất chút ít so với các vụ trước, chính vì thế mà không bị mất mùa, nông dân không còn rơi vào cảnh thiếu đói.

Có khả năng thích ứng rộng và cho năng suất cao cả ở những vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, cây lúa lai đã gắn bó với đồng ruộng Thái Nguyên từ nhiều năm nay. Có thể thấy tại hầu hết các huyện, thành, dù là mô hình cánh đồng mẫu lớn hay những mảnh ruộng nhỏ khó canh tác đều có lúa lai.

Bà con thường ví von cây lúa lai cũng giống như con cái nhà nghèo, biết bố mẹ khó khăn nên chẳng bao giờ đòi hỏi, không kén chọn đất đai màu mỡ, chịu nóng, chịu lạnh, chịu được khô hạn kéo dài. Dường như lúa lai chỉ cần cắm xuống là lớn, là mẩy hạt chắc bông, là mùa vàng no ấm.

Coi trọng giống lúa lai, Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển lúa lai, xây dựng mô hình sản xuất lúa lai ứng dụng giống mới, biện pháp canh tác tiên tiến, hiệu quả, xây dựng vùng sản xuất lúa lai tập trung và hỗ trợ sản xuất hạt giống. Có thời điểm, người dân được hỗ trợ giá giống lúa  từ nguồn ngân sách tỉnh với mức kinh phí 30.000 đồng/sào; ngân sách các huyện, thành, thị hỗ trợ giá giống từ 10.000 đến 20.000 đồng/sào để phát triển các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao.

Trong vụ xuân 2020, hầu hết các giống lúa lai đã cho năng suất cao, khẳng định vai trò "chủ lực" trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, nhiều nơi, bà con bắt đầu chú trọng phát triển diện tích gieo cấy lúa thuần.

Ông Nguyễn Tá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Với chất lượng cuộc sống hôm nay, khi vấn đề "no" không còn cấp thiết, người dân hướng đến bữa ăn "ngon", đòi hỏi chất lượng gạo thơm ngon, đậm đà. Nói về chất lượng gạo thì lúa lai khó có thể bằng lúa thuần. Thực tiễn cho thấy nhiều giống lúa thuần năng suất không thua kém nhiều so với lúa lai, trong khi chất lượng gạo lúa thuần lại cao hơn nhiều, được thị trường ưa chuộng, bán giá cao. Chính vì thế mà tỉnh khuyến khích phát triển lúa thuần  đồng thời với lúa lai.

Vụ xuân năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giống lúa thuần chất lượng, lúa lai, máy gặt đập liên hợp… Các giống lúa lai được khuyến khích đưa vào sản xuất gồm: SL8H-GS9, TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH3-7, B-TE1, TEJ Vàng, HKT99, Kinh Sở Ưu 1588, PHB71, VT404. Các giống lúa thuần gồm: HT1, HT6, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, J01, J02, Kim Cương 111, DQ11, TBR 225, Hương thơm Kinh Bắc, Hương cốm, HDT10, DT39 Quế Lâm, Bao thai, QP5, ADI 28, TBR279.

Nhiều mô hình “cánh đồng mẫu lớn” vụ xuânn 2020 đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến cánh đồng 18,3ha tại huyện Đồng Hỷ, hai cánh đồng gần 150ha tại huyện Phú Bình; cánh đồng 20 ha tại T.X Phổ Yên… Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) với  gần 100 hộ dân tham gia với diện tích 18,3 ha lúa thuần J02. Đây là giống lúa cho loại gạo rất thơm ngon mà người tiêu dùng quen gọi là gạo Nhật. Giống lúa J02 có nguồn gốc từ Nhật Bản được Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nhập nội và tuyển chọn, năng suất đạt từ 62,0 đến 74,0 tạ/ha, có khả năng chống chịu với một số sâu bệnh hại và chống chịu rất tốt với nhiệt độ thấp trong vụ xuân từ 8-10 độ C trong thời gian dài, là một giống khá toàn diện cả về năng suất và chất lượng.

Hiệu quả của các mô hình này không chỉ giúp người dân biết áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm chi phí, công lao động mà còn có tư duy về sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành vùng trọng điểm lúa chất lượng cao, thay đổi thói quen canh tác, hướng tới sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện môi trường.