Với 255 trang trại chăn nuôi (chiếm 1/3 tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh), huyện Phú Bình là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh. Những năm gần đây, phát triển trang trại đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, người dân đã và đang phải đối đối mặt với thách thức không nhỏ do tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) từ nguồn chất thải chăn nuôi gây ra.
Khoảng 2 năm trở lại đây, các hộ dân sinh sống gần trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Cương, xóm Việt Ninh, xã Lương Phú vô cùng bức xúc trước tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi từ trang trại này thải ra môi trường. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Bảo, người dân xóm Việt Ninh cho biết: Gia đình tôi nằm cách trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Cương khoảng 20m. Hằng ngày, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến mọi người trong gia đình tôi cảm thấy rất khó chịu. Không chỉ gây mùi hôi thối mà thời gian gần đây, trang trại này còn xả chất thải ra tuyến kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất của người dân, gây ô nhiễm nguồn nước và làm nhiều diện tích lúa bị lốp, ảnh hưởng đến năng suất. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Được biết, trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Cương nằm trên diện tích trên hàng nghìn mét vuông với mô chăn nuôi mỗi lứa khoảng 500 con lợn thịt và trên 10.000 con gà sinh sản. Trước phản ảnh của người dân, cuối tháng 11-2019, UBND huyện Phú Bình đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến xử lý và yêu cầu gia đình bà Cương chấm dứt ngay việc xả nước thải chăn nuôi ra môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân xung quanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hiện nay, tình trạng ÔNMT nước, không khí xung quanh khu vực trang trại của gia đình bà Cương vẫn rất nghiêm trọng.
Theo thống kê, Phú Bình hiện là địa phương có quy mô chăn nuôi lớn nhất tỉnh với 116.094 con lợn (chiếm 21,4% tổng đàn lợn toàn tỉnh); trên 25.000 con trâu bò (chiếm 28% tổng đàn trâu bò toàn tỉnh) và trên 3,5 triệu con gia cầm (chiếm 24% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh). Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện đã tăng từ 200 lên 255 trang trại, bình quân mỗi năm, huyện có thêm 11 trang trại chăn nuôi được công nhận.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ngoài 255 trang trại chăn nuôi tập trung đã được công nhận, hiện nay, trên địa bàn huyện còn gần 100 trang trại đủ điều kiện nhưng người dân chưa làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận. Cùng với đó, huyện còn hàng trăm mô hình chăn nuôi gia trại với quy mô từ 10-50 con lợn/lứa hoặc từ 100 đến 1.000 con gia cầm/lứa. Thực tế cho thấy, khi chăn nuôi ngày càng phát triển thì vấn đề ÔNMT cũng trở nên đáng lo ngại hơn. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, bình quân mỗi ngày một con lợn trưởng thành thải ra khoảng 1,5kg phân; trâu, bò khoảng 15kg và gia cầm 0,2kg. Với tổng đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, mỗi năm, các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện sẽ phát sinh khoảng 450 nghìn tấn chất thải chăn nuôi - một con số khổng lồ.
Mặc dù huyện Phú Bình đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ÔNMT trong chăn nuôi, như: Vận động, hỗ trợ người dân xây dựng hầm xử lý chất thải biogas; sử dụng đệm lót sinh học; khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi công nghệ cao theo hướng an toàn VietGAP… Tuy nhiên, vấn đề ÔNMT trong chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chưa được cải thiện. Thống kê cho thấy, toàn huyện mới chỉ có 27/255 trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, mặc dù, trên 90% các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng hầm chứa biogas. Song, biện pháp này mới chỉ giải quyết được vấn đề thu hồi khí sinh học tận thu làm nhiên liệu còn mức độ giảm thiểu ô nhiễm không đáng kể, không giải quyết được tình trạng ÔNMT đất, nước và đặc biệt mùi hôi thối. Chưa kể, hầu hết hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas của các trang trại trên địa bàn huyện đều được xây dựng với công suất thiết kế nhỏ hơn so với quy mô chăn nuôi thực tế nên việc giảm thiểu ô nhiễm lại càng hạn chế. Mặt khác, một số trang trại chăn nuôi sau nhiều năm đầu tư hệ thống xử lý chất thải biogas nhưng không cải tạo, sửa chữa thường xuyên khiến cho khả năng xử lý chất thải ngày càng giảm và không đạt yêu cầu.
Theo thống kê, hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đều nằm trong khu dân cư. Nước thải, chất thải chăn nuôi thường được xả chung với chất thải sinh hoạt ra hệ thống cống thoát nước dân sinh dẫn đến tình trạng ÔNMT ngày càng nghiêm trọng. Được biết, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nằm cách xa khu dân cư nhưng đến nay, chưa có địa phương nào thực hiện được quy hoạch này. Nguyên nhân là do không bố trí được quỹ đất và chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân di dời các trang trại đến vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch…
Có thế nói, tình trạng ÔNMT chăn nuôi ở huyện Phú Bình hiện nay đang là bài toán rất nan giải. Thực trạng này đòi hỏi cấp cấp, các ngành của huyện cần sớm có giải pháp khắc phục để ngành chăn nuôi của huyện thực sự phát triển bền vững.