Tạo ra các sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng được nhu cầu của thị trường đang là xu thế mới được các hộ chăn nuôi địa bàn T.X Phổ Yên hướng đến.
Thời gian gần đây, khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải gồng mình chống đỡ dịch tả lợn châu Phi, thì những trang trại ứng dụng quy trình chăn nuôi VietGAP trên địa bàn T.X Phổ Yên vẫn vững tin “vượt bão” và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Theo tâm lý chung thì người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm an toàn được áp dụng quy trình VietGAP.
Chúng tôi đến tham quan trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình anh Vũ Hải Hồng, Xóm Chùa 1, xã Đắc Sơn. Năm 2010, gia đình anh Hồng bắt tay đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt. Cuối năm 2019, trang trại đã được chứng nhận chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi VietGAP. Theo hướng dẫn của anh Hồng, khi bước chân vào trang trại, chúng tôi hay bất kể ai đều phải sát khuẩn từ cổng, sau đó thay quần áo bảo hộ rồi đi qua buồng khử khuẩn để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đàn lợn. Đàn lợn tại trang trại của anh Hồng được chăm sóc cẩn thận. Khu vực chăn nuôi luôn có từ 2-3 nhân viên túc trực để quét dọn vệ sinh, điều chỉnh hệ thống giàn mát (giàn bơm phun nước), ánh sáng, quan sát biểu hiện của lợn để có chế độ chăm sóc phù hợp. Cùng với đó, anh chọn giống lợn nái siêu nạc CP và kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào nên đã hạn chế tối đa dịch bệnh.
Anh Hồng bảo: Mỗi năm trang trại của chúng tôi xuất chuồng trên 2 lứa. Mỗi lứa cung cấp ra thị trường từ 600 - 1.700 con. Trung bình mỗi lứa lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu đồng. Sản phẩm lợn thịt của chúng tôi khi được áp dụng quy trình VietGAP đã có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Lợn thịt được bạn hàng thị trường Hà Nội, Bắc Ninh… đánh giá cao, luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Bắt tay thực hiện quy trình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018, Ông Trần Xuân Dục, xóm Ngoài, xã Hồng Tiến cũng là hộ chăn nuôi gà được nhiều thương lái biết đến. Mỗi năm, trang trại của ông lại xuất hàng chục tấn gà mía đưa về các chợ đầu mối tại Hà Nội.
Trang trại 3.000m2 nằm xa khu dân cư và có nhiều cây xanh mát. Trong quá trình nuôi, đàn gà sẽ được theo dõi, ghi chép cụ thể hàng ngày. Đặc biệt, ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết mùa hè nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh. Ông Dục cho biết: “Quy trình nuôi gà an toàn theo hướng VietGAP tuy có yêu cầu khắt khe hơn so với phương pháp truyền thống nhưng hiệu quả nâng cao rõ rệt. Gà không mắc bệnh, tỷ lệ sống đạt hơn 95%, trọng lượng trung bình đạt từ 2,2-2,5kg”. Ông nhẩm tính, mỗi năm 3 lứa, sau 3 tháng nuôi mỗi lứa xuất 2.000 con, trừ tất cả các chi phí, lãi trên dưới 100 triệu đồng/lứa.
Có thể thấy khi áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAP thì các hộ chăn nuôi đã có nhiều lợi ích như sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, thuận lợi trong tiêu thụ, tăng thu nhập của người chăn nuôi; người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn T.X Phổ Yên, số lượng trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP còn ít. Hiện, mới chỉ có 6 trang trại chăn nuôi được cấp tiêu chuẩn VietGAP, trong khi số lượng trang trại chăn nuôi của thị xã là hơn 100 trang trại.
Để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, T.X Phổ Yên cần đẩy mạnh xây dựng mối liên kết liên doanh giữa các hộ chăn nuôi với nhau và giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tăng cường hơn nữa việc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp các chủ trang trại mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả trong chăn nuôi…