Khan hiếm nhân công mùa gặt

17:28, 01/06/2020

Gần 2 tuần qua, nông dân trong tỉnh đã bắt tay vào thu hoạch lúa vụ xuân. Những năm trở lại đây, nhờ việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nên vào vụ gặt “rộ”, bà con không còn lo lắng như trước. Bởi, khi những chiếc máy gặt đập liên hoàn có giá hơn 100 triệu đồng phát huy tác dụng, chỉ với 150 nghìn đồng tiền công/sào, sau vài phút, cả thửa ruộng lớn được thu hoạch xong (từ khâu gặt, tuốt, cho thóc vào bao, tất tần tật đều được làm bằng máy) đã giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Tuy nhiên, đối với những chân ruộng ở địa hình cao quá, thấp quá hoặc bị lầy thụt, thì những chiếc máy gặt đập liên hoàn đã bị “vô hiệu hóa” và phương pháp gặt lúa truyền thống lại lên ngôi. Chị Đoàn Thị Tuyền, nông dân xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho hay: Không phải gia đình nào cũng may mắn có được diện tích gieo cấy lúa nằm ở khu vực có địa hình thuận lợi cho máy gặt đập liên hoàn vận hành. Đơn cử như gia đình tôi có 7 sào lúa thì chỉ có 5 sào gặt được bằng máy, 2 sào còn lại phải thuê người gặt thủ công. Gặt tay, mỗi sào lúa cần đến 4 nhân công, làm việc liên tục trong nửa buổi sáng mới hoàn thành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trường hợp như gia đình của chị Tuyền không phải là ngoại lệ. Bởi vậy, khi vào mùa gặt “rộ”, nhu cầu thuê người thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn. Vụ này, giá thuê nhân công gặt lúa bình quân 250 nghìn đồng/sào (gia chủ phải tự gánh lúa đưa lên bờ). Còn nếu trọn gói từ gặt, gánh lúa lên bờ, chất lên xe… giá thuê nhân công từ 300 nghìn đến 350 nghìn đồng/sào

Giá thuê nhân công được trả cao như vậy nhưng việc tìm người gặt thuê cũng không dễ. Nhiều người vì đợi nhân công, vẫn chấp nhận thu hoạch lúa dưới trời nắng gắt. Chị Từ Thị Hà, một người dân ở xóm Cầu Gai, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) nói: Vì có nhiều người thuê nên những người gặt thuê phải sắp xếp theo thứ tự, nhà nào tìm họ trước sẽ được làm sớm hơn. Khi đến lượt gia đình mình, dù nắng nóng gay gắt, chúng tôi vẫn phải phụ giúp họ vận chuyển lúa lên bờ theo đúng thỏa thuận (họ chỉ gặt, còn gia chủ phải tự đưa lúa lên bờ).

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thuê nhân công gặt lúa, chị Lê Thị Thành, một người dân ở xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết thêm: Vào mùa lúa chín, nhà nào cũng lo thu hoạch ruộng lúa của gia đình mình. Hơn nữa, lớp trẻ đều đã thoát ly, đi làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp nên hầu như các gia đình đều thiếu người làm. Do đó, chúng tôi phải tìm những hộ đã thu hoạch xong (do cấy sớm hơn) hoặc không có ruộng để “cậy nhờ”. Mùa này, giá nhân công “đội” lên cao gấp đôi so với thuê gặt bằng máy khiến chi phí đầu tư cho sản xuất lúa tăng cao. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì không đủ nhân lực để đảm đương, nhất là khi để lâu, lúa chín quá sẽ bị rụng hạt, gặp mưa bão thì mọc mầm, thất thoát còn lớn hơn.

Không chỉ mất tiền “mượn” người gặt lúa thủ công, nông dân còn phải thuê cả máy tuốt lúa. Với những thửa ruộng lớn, lượng lúa nhiều, “chủ máy” còn tính công theo phút (mỗi sào lúa thu được tuốt trong vòng 5 phút với mức giá 10.000 đồng/phút). Ở những thửa ruộng nhỏ, lượng lúa thu được ít, “chủ máy” tính vo nên nhiều thửa ruộng chưa được 1 sào mà công tuốt lúa cũng mất cả trăm nghìn đồng. Theo chị Đoàn Thị Tuyền, để giảm chi phí thuê nhân công thu hoạch lúa, nhiều gia đình có diện tích lúa nằm ở địa hình không thuận lợi, sau khi gặt xong, họ tự vận chuyển lúa về những địa điểm thuận lợi cho máy tuốt lúa vận hành rồi gọi “chủ máy” đến “chạy” một lèo.

Mỗi mùa gặt “rộ” về, dù việc tìm kiếm nhân công khó khăn, giá cao nhưng hầu hết nông dân trong tỉnh vẫn không có ý đinh bỏ trống các khu ruộng lầy thụt hoặc nằm ở những vị trí không thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Với họ, dù số lúa thu được chỉ coi như lấy công làm lãi nhưng đó chính là niềm vui trong lao động, là nhịp sống thân thuộc, gắn bó dài lâu với nhà nông.