Với mục tiêu quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thanh, kiểm tra sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP lĩnh vực nông nghiệp.
Tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đi thực tế tại Siêu thị Lan Chi (T.P Thái Nguyên), chúng tôi nhận thấy, việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATTP tại đây được thực hiện khá tốt. Các sản phẩm được bày bán đều có nhãn mác ghi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Anh Vũ Tuấn Anh, quản lý siêu thị cho biết: Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cung cấp ra thị trường 70kg thịt lợn, 150kg thịt gà, trên 60kg rau ăn lá và 20kg củ, quả các loại. Về nguồn gốc thực phẩm, thịt chúng tôi nhập từ Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến giết mổ, bảo quản theo đúng quy trình. Còn rau, củ, quả chúng tôi đặt hàng từ trại giam Phú Sơn và một số mặt hàng nhập từ Đà Lạt.
Quan sát tại siêu thị, chúng tôi thấy các mặt hàng được bày bán khá đa dạng, gian hàng được phân chia theo từng loại thực phẩm sống, thực phẩm ăn sẵn… Đặc biệt, theo kết quả lấy mẫu giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên, đối với 2 sản phẩm của siêu thị Lan Chi là rau cải bao và cải bắp không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu và hàm lượng kim loại nặng.
Ngoài Siêu thị Lan Chi, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, riêng trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020 (từ ngày 15-4 đến 15-5), Sở Nông nghiệp - PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra đột xuất 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả cho thấy, không có cơ sở nào vi phạm. Cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, các đơn vị cũng lồng ghép tuyên truyền về đảm bảo ATTP đối với các hộ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất trong việc chấp hành các quy định về ATTP, tạo ra sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã tiến hành lấy 762 mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu về ATTP; trong đó có 11 mẫu rau, 7 mẫu chè, 735 mẫu huyết thanh, 9 mẫu bệnh phẩm. Kết quả cho thấy, có 755 mẫu đạt yêu cầu, còn 7 mẫu đang kiểm nghiệm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng không có hiện tượng ngộ độc thực phẩm hoặc sự cố về ATTP.
Như vậy, có thể khẳng định, dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của lực lượng chức năng hiện nay, đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về vệ sinh ATTP.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Sơn Hà, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực trạng vi phạm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu giấy xác nhận kiến thức vệ sinh ATTP và việc khám sức khỏe định kỳ cho người sản xuất, chế biến thực phẩm còn chưa được quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản trong tất cả các công đoạn từ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản đến kinh doanh. Từ đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm.