Trong vụ xuân 2020, tin vào lời quảng cáo của các đại lý về một giống lúa mới cho “năng suất cao, chất lượng tốt”, nhiều hộ dân xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã đưa giống lúa HANA112 vào gieo cấy. Đến thời điểm thu hoạch, bà con nhận thấy giống lúa này trỗ bông không đều, tỷ lệ lép cao, năng suất thấp hơn nhiều so với các giống lúa khác được gieo cấy cùng thời điểm.
Chị Hoàng Thị Hoa, người dân xóm Quán bức xúc: Nhà tôi cấy 4/7 sào giống HANA112, còn 3 sào cấy giống Khang dân 18. Giống lúa HANA112 tỷ lệ nảy mầm cao, nhưng đến giai đoạn lúa đẻ nhánh thì nhánh thấp nhánh cao, lúa trỗ bông không đều, nhiều hạt lép… Trong khi đó, mấy sào lúa Khang dân 18 cấy cùng thời điểm, chế độ chăm sóc tương đồng thì cho thu hoạch 150kg/sào, còn diện tích lúa HANA112 lại chỉ được có 20kg/sào.
Để chứng minh rõ hơn lời nói của mình, chị Hoa đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng xóm Đồng Trong. So sánh giữa 2 thửa ruộng liền kề nhau gieo trồng 2 giống lúa Khang dân 18 và HANA112, nhìn bằng mắt thường, không khó để chúng tôi nhận ra sự khác biệt. Thửa trồng giống Khang dân 18, lúa chín ngả màu vàng óng, bông chắc trĩu hạt, thửa còn lại, bông thì đang trổ, bông lại đâm ngang, bông đang vào hạt, bông lại đang phơi màu… Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân xóm Đồng Trong chia sẻ: Nhà tôi cấy 5 sào giống HANA112. Thấy các hộ dân khác trong xã gặt xong, thóc thu về chẳng được bao nhiêu nên tôi đành để lại, cố đợi phần lúa trổ muộn mong thu hoạch được thêm phần nào.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, toàn xã Thanh Ninh có gần 200 hộ gieo cấy giống lúa HANA112 với tổng diện tích trên 22ha (chiếm 10% diện tích lúa Xuân toàn xã). Các hộ dân đều mua giống lúa này tại 2 đại lý: hộ bà Nguyễn Thị Bắc (xã Thanh Ninh) và hộ bà Phan Thị Giang (xã Kha Sơn). Riêng đại lý của bà Giang có hợp đồng với Công ty TNHH hạt giống HANA (Quảng Xương, Thanh Hóa), trong đó có điều khoản: “Nếu trong điều kiện sản xuất bình thường, không có dịch hại, nếu năng suất của giống lúa HANNA112 có thấp hơn năng suất bình quân của giống chất lượng tại địa phương theo thống kê của xã thì Công ty sẽ hỗ trợ cho các hộ gia đình để đạt mức bình quân chung”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện Phú Bình đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá tình hình thực tế. Qua đó xác định: Giống lúa HANA112 không có trong cơ cấu giống của tỉnh và huyện, chưa được khảo nghiệm trên địa bàn huyện Phú Bình; người dân tự ý đi mua không phải tại các đơn vị được UBND huyện Phú Bình giao nhiệm vụ cung ứng giống. Qua thăm đồng, so sánh với giống lúa đại trà được gieo cấy tại địa phương như Khang dân 18, TBR25... thì năng suất ước đạt từ 160-170kg/sào, còn giống lúa HANA112 cấy cùng thời điểm có bông ngắn, tỷ lệ hạt ép cao, chín không đều. Do vậy nguyên nhân làm giảm năng suất lúa là do giống lúa. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đang kiểm tra, rà soát hồ sơ, các thủ tục trong kinh doanh của 2 đại lý trên, xác định lỗi vi phạm để xử lý theo quy định. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan và UBND xã Thanh Ninh tiếp tục làm việc với công ty cung ứng giống và chủ 2 đại lý để sớm có phương án hỗ trợ cho người dân.
Qua sự việc trên, bà con nông dân cần hết sức lưu ý trong việc lựa chọn nguồn cây (con) giống theo sự khuyến cáo và chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và những đơn vị được huyện giao nhiệm vụ cung ứng guống trong sản xuất nông nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng thất thu...Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến công tác quản lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng hàng hóa giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất.