Với những giải pháp quyết liệt, sát sao của chính quyền, ngành chức năng cũng như người dân, từ tháng 2-2020, tỉnh Thái Nguên đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong nước và một số địa phương giáp ranh với Thái Nguyên như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội… đã tái phát bệnh này. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đối với tỉnh là làm sao vừa phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, vừa ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát.
Là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn xã Minh Lập (Đồng Hỷ), trang trại của gia đình anh Nguyễn Xuân Luyện, ở xóm Cà Phê hiện đang có 1.500 con lợn thịt. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Luyện chia sẻ: Để phòng chống dịch bệnh, lợn con được chúng tôi gây giống ngay tại trang trại chứ không nhập từ bên ngoài. Đối với người trực tiếp chăn nuôi lợn hằng ngày cũng phải thay trang phục, đồ bảo hộ lao động, sau đó qua phòng sát khuẩn trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi. Trung bình, nhà tôi tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại 2 lần/tuần và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên trang trại của gia đình tôi không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Đối với các hộ chăn nuôi theo hình thức liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, việc phòng dịch cũng được đặt lên hàng đầu. Anh Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi đã đề nghị hơn 30 hộ dân liên kết với Công ty sửa sang chuồng trại. Cụ thể, nếu như trước đây, 1 dãy chuồng có thể nuôi hàng trăm con lợn thì nay bà con chia chuồng ra từng ô nhỏ riêng biệt nuôi khoảng vài chục con/ô để hạn chế lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, bà con cũng tiến hành sửa lưới che chắn ruồi, muỗi, côn trùng xung quanh, đảm bảo an toàn mới tái đàn.
Có thể thấy, thực tế, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát là rất lớn, đặc biệt trong điều kiện giá thịt lợn đang ở mức cao, nhiều hộ dân có nhu cầu tái đàn, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Trước tình hình trên, trong tháng 5, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi cũng như các nguy cơ khi dịch tái bùng phát.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã tăng cường giám sát đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được giấu dịch, không tự ý chữa trị, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Tính đến ngày 10-6, trên địa bàn tỉnh chưa tái xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, người chăn nuôi tuyệt đối không được lơ là công tác phòng, chống dịch. Bởi, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng cũng như thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, giá con giống, chi phí đầu tư chăn nuôi tăng cao, khi dịch bệnh xảy ra hoặc giá thịt lợn giảm, bà con sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.