Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi của huyện mà còn hạn chế rủi ro do dịch bệnh.
Nhiều năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Vân, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, sẵn có diện tích vườn bãi rộng, gia đình bà đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia công cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam với quy mô 8.800 con gà lông trắng/lứa. Bình quân mỗi năm, gia đình bà xuất bán từ 5-6 lứa gà, thu lãi trên 400 triệu đồng. Bà Vân cho biết: Theo thỏa thuận với Công ty, gia đình tôi chỉ cần đầu tư chuồng trại và công chăm sóc, Công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Chăn nuôi theo hình thức này, gia đình tôi không chỉ giảm được chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ mà thu nhập cao, ổn định. Đặc biệt, chăn nuôi theo quy mô trang trại, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh được chú trọng nên vật nuôi trong chuồng luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.
Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nhưng gia đình ông Vũ Ngọc Sơn, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng lại lựa chọn chăn nuôi giống gà lông màu. Anh Sơn cho biết: Trước đây, gia đình tôi thu nhập chính từ trồng chè nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, tôi đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Thời gian sinh trưởng của giống gà lông màu từ 3,5-4 tháng/lứa. Với 4.000 con gà mỗi lứa, sau khi trừ các chi phí, gia đình thu lãi 100 triệu đồng/năm.
Được biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, với số lượng từ 4.000-8.000 con gà/lứa; 1.000-2.000 con lợn/lứa. Hiện nay, toàn huyện có trên 300 trang trại, trang trại chăn nuôi, với mức thu nhập bình quân từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm/trại (tăng 50 trang trại, gia trại so với năm 2015).
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Với lợi thế đất đai rộng nên những năm vừa qua, người dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. So với chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo quy mô tập trung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp vật nuôi hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại còn giúp các hộ dân có điều kiện liên kết với các công ty, hợp tác xã nhằm hỗ trợ các kiến thức về khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 70 trang trại đang chăn nuôi liên kết với các công ty như: Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Emivest Việt Nam...
Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và từng địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ làm thủ tục cho người dân vay vốn; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm: Lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện, với gần 40%. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với huyện có chính sách khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao...