Gần cả đời người gắn bó với cây lúa nhưng đây là vụ đầu tiên bà Vũ Thị Lan, xóm Na Phài, xã Phú Thượng (Võ Nhai) áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa của xóm Na Phài, bà luôn miệng xuýt xoa: Thật may, năm nay tôi áp dụng phương pháp này nên cả mấy đám lúa đến nay đều chưa thấy hiện tượng sâu bệnh. Nhìn các thửa ruộng xung quanh, chúng tôi chợt hiểu ra cái “may” mà bà nhắc tới. Trên khắp cánh đồng, không khó để nhìn thấy những bông lúa lép trắng đang phơi mình dưới nắng.
Gặp chị La Thị Nhất, Bí thư Chi bộ Na Phài đang đi thăm đồng, chị thở dài: Năm nay mất mùa rồi. Không biết phải do thời tiết không mà đồng loạt các đám ruộng hầu hết đều nhiễm đạo ôn lá dẫn đến đạo ôn cổ bông. Mà các gia đình đều phun 4-5 lần thuốc trừ sâu rồi đấy. Bà Lan tiếp lời, chỉ tay vào ruộng lúa nơi chúng tôi đang đứng: Ruộng này đây, của đứa cháu tôi. Vừa hôm qua nó than vãn là đã phun tất cả 6 lần thuốc rồi đấy mà vẫn không cứu vãn được là bao.
- Ruộng nhà chị Nhất có chung tình cảnh này không?
- Cũng may! 1,3 mẫu ruộng nhà tôi mặc dù từ khi cấy đến nay mới bơm thuốc phòng đạo ôn và sâu cuốn lá duy nhất có 1 lần nhưng đến nay lúa vẫn tốt, không có biểu hiện gì của sâu bệnh.
- Chị có bí quyết gì sao?
- Có lẽ là do tôi áp dụng phương pháp SRI thôi. Bởi ngoài gia đình tôi, những gia đình khác cấy theo phương pháp này cho đến nay lúa đều tốt cả.
Theo lời Bí thư Chi bộ La Thị Nhất, vụ xuân này, cả xóm Na Phài có 18 mẫu lúa. Trong đó có 12 mẫu cấy giống Khang dân và 1 số giống lúa khác. Hầu hết các thửa ruộng đều bị sâu bệnh. Riêng 57 sào cấy theo phương pháp SRI thì lúa đều phát triển tốt.
Ngoài khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, áp dụng phương pháp SRI, người nông dân còn nhận được thấy rất nhiều lợi ích khác. Chị Nguyễn Thị Thủy nằm trong số 11 hộ áp dụng phương pháp SRI phấn khởi: Lúc đầu được vận động cấy theo SRI tôi cũng băn khoăn, vì bình thường nếu thóc tự để giống, các cụ phải dùng 5kg thóc giống/sào; các loại lúa siêu khác cũng phải hơn 1kg giống/sào, thế mà bảo cấy SRI chỉ 3 lạng thóc giống/sào. Nói thật khi được hướng dẫn cấy có 1 dảnh, cấy thưa, cấy vuông mắt sàng trông đám ruộng lèo tèo, vừa làm vừa lo. Nhưng đến giờ thì mừng lắm.
Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên: Áp dụng canh tác lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả rõ rệt như: giảm các chi phí sản xuất, năng suất tăng hơn so với không áp dụng canh tác lúa cải tiến (khoảng 7,5 - 7, 7 tạ/ ha), góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp SRI, kỹ thuật đơn giản dễ làm, cây lúa đẻ khỏe, cứng cây, hạn chế đổ, hạn chế sâu bệnh.
Diện tích lúa cả năm của toàn tỉnh hiện trên 70.000 ha, năng suất trung bình đạt khoảng 55 tạ/ha; sản lượng lúa cả năm đạt trên 380.000 tấn. Đến nay, trên 40% diện tích lúa của tỉnh đã và đang áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân, góp phần hạn chế sự ảnh hưởng xấu của sản xuất nông nghiệp đến môi trường.