Tăng thu nhập từ đa dạng hóa cây trồng

15:54, 08/06/2020

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm gần đây, nhiều người dân ở xã Ký Phú (Đại Từ) đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào trồng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con.

Đến xã Ký Phú những ngày này không khó để bắt gặp những ruộng mía xanh mướt mát trải dài khắp các cánh đồng. Theo những người dân ở đây, hơn ba chục năm trước, mía được bà con đưa về trồng thử nghiệm rồi “bén duyên” với đồng đất nơi đây từ đó. Là một trong những người tiên phong trồng giống mía tím ở xã, ông Nguyễn Văn Lâm, ở xóm Đặn 1 chia sẻ: Tôi trồng mía từ năm 1983, lúc đó chỉ dám trồng thử 1-2 sào để xem giống cây này có phù hợp với chất đất quê mình hay không. Thật bất ngờ là sau 10 tháng, cây lớn nhanh, gióng to, đốt dài lại rất ngọt, hơn cả là không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, do vậy, gia đình tôi đã quyết định chuyển đổi 13 sào đất lúa kém hiệu quả để trồng mía và duy trì diện tích này cho đến bây giờ. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu lãi từ 10-15 triệu đồng/sào. Thu nhập từ mía tím đã giúp gia đình tôi tích lũy được tiền để xây nhà, mua sắm thêm nông cụ, con cái cũng có điều kiện học hành tốt hơn.

Nhận thấy hiệu quả từ trồng mía tím nên nhiều hộ dân ở Ký Phú đã chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng giống cây này, hộ ít có từ 4-5 sào, hộ nhiều có từ 10-15 sào. Toàn xã hiện có khoảng 25ha trồng mía, tập trung nhiều nhất ở xóm Đặn 1 với sản lượng bình quân đạt trên 1.300 tấn/năm. Để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, nhiều hộ còn trồng xen mía tím với một số giống ngắn ngày như: Rau cải, đậu tương… vừa tăng thu nhập vừa hạn chế cỏ dại.

Cùng với mía, việc luân canh các loại rau màu theo mùa vụ cũng giúp người dân ở Ký Phú nâng cao thu nhập. Gặp chúng tôi khi đang thăm ruộng cà chua sai lúc lỉu, bà Nguyễn Thị Diện, ở xóm Đặn 3 cho hay: Đây là giống cà chua ghép, nên năng suất rất cao, 1 sào cho thu khoảng 1,2-1,5 tấn quả. Với giá bán 14.000 đồng/kg, mỗi lứa gia đình tôi thu khoảng 20 triệu đồng/sào. Tôi còn luân canh thêm các loại rau màu khác như: bí xanh, khoai lang, bắp cải, dưa chuột… nên thu nhập cũng khá ổn định.

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức và phối hợp tổ chức với cơ quan chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật người dân. Đến nay, tổng diện tích cây màu toàn xã đạt trên 320ha, trong đó, cây ngô là 63,5ha; rau các loại 180ha; đậu đỗ các loại là 13ha; sắn 10ha; củ đậu gần 10ha… Vụ xuân năm nay, sản lượng ngô của xã đạt trên 27 tấn; củ đậu đạt 330 tấn;… Bên cạnh đó, những năm gần đây, một số loại cây ăn quả cũng được bà con đưa vào trồng như: Bưởi, nhãn, cam… với tổng diện tích đạt 13ha. Không chỉ sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhiều người dân đã có xu hướng liên kết, hình thành các nhóm hộ phát triển kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp nhằm hướng tới xây dựng vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Điển hình là Hợp tác xã Sản xuất, dịch vụ nông nghiệp xanh Ký Phú; Câu lạc bộ Trồng chè an toàn ở xóm Duyên (16 thành viên); Câu lạc bộ Trồng mía tím xóm Đặn 1 (20 thành viên)…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lỗ Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú thông tin: Nếu như trước đây, bà con trong xã chỉ trồng một số loại cây truyền thống như lúa, ngô, khoai lang thì nay nhiều loại cây trồng khác nhau đã được đưa vào canh tác và không ngừng mở rộng diện tích. Từ đó góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân của xã đạt 22 triệu đồng/người/năm thì nay đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 11,9% (2015) xuống còn 3,54%. Hiện giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 86 triệu đồng/ha (năm 2015 là 78 triệu đồng/ha). Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là có sự liên kết đảm bảo đầu ra, tiêu thụ nông sản cho nông dân…