Mỗi khi tháng 6 về, lòng tôi lại chộn rộn nhớ về những mùa lúa "mới" đã xa. Hồi ấy (cách nay cũng hơn 30 năm rồi), người nông dân gặt lúa bằng đôi bàn tay chai sần; gánh lúa trên đôi vai áo đã bạc màu sương gió, đôi bàn chân vượt qua đoạn đường gồ ghề sỏi đá để đưa lúa về nhà. Cả việc tuốt nói đúng hơn là đập lúa cũng rất thủ công… Hôm nay, đi bên những cánh đồng lúa chín, chúng tôi thường bắt gặp những chiếc máy gặt thoăn thoắt “nuốt” từng cây lúa vào “bụng” rồi “nhả” ra vô vàn những hạt thóc óng vàng. Vậy là qua nhiều năm, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã mang đến cho những vùng quê yên bình một diện mạo đầy mới mẻ của mùa gặt.
Theo chân những người nông dân ở xóm 3, xã Phú Xuyên (Đại Từ) ra đồng gặt lúa khi mặt trời còn chưa ló rạng, tôi như được trở về những ngày còn thơ bé (cái thời được theo bà nội ra đồng mót lúa, mò cua, bắt cá). Ngắm nhìn tấm thảm vàng đẹp đến nao lòng, tôi hít hà thật sâu hương thơm dìu dịu tỏa ra từ cánh đồng lúa chín. Loáng một cái, chiếc máy gặt đã chạy xong mấy đường cắt, chỉ để trơ lại những gốc rạ, từng bao thóc được đưa lên bờ xếp chồng lên nhau. Chị Chu Thị Hiếu, người dân tộc Nùng ở xóm 3, xã Phú Xuyên nói: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 8 sào lúa. Vì nằm ở địa hình thuận lợi nên tôi thuê gặt bằng máy (tiền công 150.000 đồng/sào), vừa giảm bớt chi phí thuê nhân công lại không nhọc đến tấm thân.
Với những hộ nông dân như chị Hiếu, vụ lúa xuân năm nay được coi là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn khi thời tiết diễn biến bất thường. Ngay đầu vụ, mưa đá xảy ra ở một số nơi của huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên... Rồi tình trạng rét muộn kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bén rễ hồi xanh ở những diện tích lúa xuân cấy muộn. Đặc biệt, hiếm có năm nào, rét nàng Bân lại đến muộn như năm nay. Cuối tháng 3 âm lịch (tức giữa tháng tư dương lịch) mà nhiệt độ ngoài trời vẫn xuống thấp (từ 15 đến 17 độ C). Đây chính là thời điểm nhiều diện tích lúa xuân sớm (do người dân xuống giống không đúng khung thời vụ của tỉnh) đang phân hóa đòng, trổ bông nên khi gặp giá rét sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa. Nhất là tình trạng sâu bệnh hại trên diện rộng như đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông đã khiến cho không ít diện tích lúa bị ảnh hưởng đến năng suất. Vào thời điểm cuối vụ, giông lốc, mưa lớn cũng làm sạt trượt một phần nhỏ diện tích lúa của nông dân Định Hóa, Phú Lương…
Mỗi mùa gặt về, nhà nhà háo hức chờ mong bữa cơm được nấu bằng gạo mới, nhưng, với vô vàn khó khăn như vậy, vụ lúa mới này, niềm vui của người nông dân Thái Nguyên dường như chưa được trọn vẹn. Anh Trần Tuấn Anh, nông dân xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho hay: Tôi đã hy vọng lúa xuân sẽ được mùa vì chưa năm nào, nguồn nước cấy và dưỡng lúa dồi dào như năm nay. Tuy nhiên, thời tiết quá khắc nghiệt, các loại sâu bệnh hại phát sinh nhanh nên dù phát hiện và phun thuốc phòng, trừ kịp thời, nhiều diện tích lúa vẫn bị ảnh hưởng. Cũng vì lý do ấy mà năng suất của một số giống lúa như Khang Dân, Thiên Du… đạt được thấp hơn mọi năm từ 40 đến 60 kg/sào (năng suất đạt khoảng 160 đến 180kg/sào).
Tuy ở một số diện tích, năng suất lúa không đạt cao như như kỳ vọng của bà con nhưng theo ông Nguyễn Tá, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thì qua kiểm tra thực tế, năng suất lúa xuân bình quân của tỉnh vẫn đạt hơn 55 tạ/ha, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Kết quả này vẫn được coi là một thành công trong bối cảnh thời tiết năm nay vô cùng khắc nghiệt.
Đến nay, người dân Thái Nguyên đã vượt qua hơn nửa chặng đường thu hoạch lúa xuân (hoàn thành khoảng hơn 60% diện tích). Vụ này, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là dù tình trạng đô thị hóa; lớp thanh niên, trai tráng ở các làng quê của tỉnh đã “ly nông”, tìm đến các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh làm công nhân, nhưng các hộ dân vẫn bố trí đủ nguồn nhân lực để xuống giống đúng khung thời vụ, vượt kế hoạch đề ra (toàn tỉnh gieo cấy được trên 28.300ha lúa, vượt hơn 600ha so với kế hoạch).
Đồng hành cùng những người nông dân chăm chỉ sớm hôm, tỉnh vẫn duy trì những chính sách hỗ trợ sản xuất cho bà con. Đó là hỗ trợ 30.000 đồng/sào ở những vùng sản xuất lúa tập trung; 100% kinh phí tuyên truyền, tập huấn, tổ chức sản xuất, in bao bì nhãn mác sản phẩm và 40% kinh phí mua vật tư (phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm xử lý rơm, rạ) đối với 50ha sản xuất lúa hữu cơ ở xã Úc Kỳ (Phú Bình)… Về phía các cơ quan quản lý, đã luôn tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của bà con...
Quanh năm vất vả một nắng hai sương chăm bón từ lúc gieo mạ cho đến khi bông lúa uốn câu, trĩu hạt, chín vàng ruộm, người nông dân trên mảnh đất Thái Nguyên này vẫn không “quẳng” hết được “gánh lo” khi vụ sản xuất xuất mới lại chuẩn bị bắt đầu. Vụ mùa năm nay, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương đã cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi mà tình trạng nắng nóng kéo dài; mưa giông, lốc cũng sẽ xuất hiện với mật độ dày hơn mọi năm. Dù vậy, họ vẫn kiên trì bám đồng ruộng để mong có được những vụ mùa bội thu.