Để hạn chế phát triển thiệt hại và gây hại mạnh trên diện rộng do dịch hại gây ra, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè. Ngày 19/6/2020, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT Thái Nguyên) đã có Thông báo số 391/TB-CCTT&BVTV gửi ngành liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra phát hiện, theo dõi sự phát triển của sâu bệnh hại, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Dưới đây là nội dung Thông báo:
Qua kết quả điều tra đồng ruộng cho thấy, chè đang trong giai đoạn phát triển - thu hái búp, mạ mùa giai đoạn 2 - 3 lá, lúa Mùa sớm đang cấy, cây nhãn giai đoạn quả non.
Thời tiết hiện nay ngày nắng nóng, tối và đêm có mưa rào, là điều kiện rất thuận lợi cho dịch hại phát triển. Cụ thể, trên cây chè đã xuất hiện rầy xanh và bọ cánh tơ với tỷ lệ hại trung bình 5 - 10%, nơi cao 15 - 20%, cục bộ 30% búp bị hại (Đại Từ, Phú Lương...).
Thời gian tới, dự báo thời tiết tiếp tục thuận lợi cho các đối tượng dịch hại trên phát triển và gây hại mạnh trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè.
Để hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra, cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật cụ thể như sau:
1. Tăng cường các biện pháp chăm sóc như: Bón đủ, cân đối phân N, P, K và phân hữu cơ, kết họp tỉa cành cây che bóng hợp lý và tủ gốc giữ ẩm cho chè.
2. Thường xuyên kiểm tra diễn biến bọ cánh tơ, rầy xanh trên nương chè:
- Đối với rầy xanh, chú ý các nương chè có cây che bóng, xác định thời điểm rầy non nở, phun thuốc trừ rầy khi thấy mật độ rầy xanh từ 5 con/khay hoặc tỷ lệ búp bị hại 10% trở lên, thuốc dùng là một trong các loại như: Trebon 10EC, 30EC, Vibamec 5.55EC; Butyl 10WP, Dylan 2EC, Comda gold 5WG..... Thời điểm phun khi rầy tuổi nhỏ.
- Đối với bọ cánh tơ đặc biệt chú ý những nương chè trên đồi cao, dại nắng, giai đoạn nảy chích - vươn búp, phun trừ bọ cánh tơ non khi tỷ lệ búp bị hại từ 10% trở lên bằng một trong các loại thuốc sau: Catex 1.8EC, 3.6EC, Fanty 4.2 EC, Javitin 36EC, 100WP, Dylan 10WG ...
Chú ý: Thuốc sử dụng phải được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng cho chè ở Việt Nam, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì, tuân thủ thời gian cách ly. Áp dụng biện pháp “hái chạy ” nêu được.
Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ diễn biến đối tượng rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng (truyền bệnh virus vàng lụi, lùn sọc đen), sâu đục thân, sâu cuốn lá trên mạ, lúa; Bọ xít nâu trên nhãn, chủ động hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật báo cáo và đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra phát hiện, theo dõi sự phát triển của sâu bệnh hại, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn.
Đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên phối hợp đưa tin tình hình dịch hại; các công ty thuốc bảo vệ thực vật chuẩn bị đầy đủ vật tư đảm bảo đủ số lượng, chất lượng để phục vụ nông dân phòng trừ dịch hại./.