Chiều muộn, những hòn đảo nổi trên mặt hồ như xanh đậm hơn. Tôi nghe rõ tiếng chèo khua của ngư dân bên chân đảo. Xa xa đàn cò trắng nhẩn nha bay về đảo xanh trú ẩn.
Anh Nguyễn Hoài Nam, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, kiêm phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cho biết: Không giống như các khu rừng phòng hộ khác, vì rừng ở đây đứng trên các đảo nổi, rừng bám xung quanh hồ, nên việc tuần tra, kiểm soát, quản lý bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà buông bỏ, đội ngũ cán bộ kiểm lâm lớp sau theo lớp trước kiên cường bám rừng, bám dân để bảo vệ sự bình yên cho những "hòn ngọc" xanh trên mặt hồ huyền thoại.
Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc được xác lập với diện tích 3.454ha, trải rộng đến các vùng đất của T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ và T.X Phổ Yên. Rừng được trồng bao quanh hồ, trồng trên các đảo lớn nhỏ tạo nguồn sinh thủy, dưỡng nuôi một sức sống mãnh liệt bởi dung tích của hồ khi đạt đỉnh chứa tới hơn 175 triệu m3 nước, bảo đảm tưới tắm cho 12.000 ha đất nông nghiệp và cung cấp gần 70 triệu m3 nước cho ngành Công nghiệp/năm. Để bảo vệ sự bình yên cho khu vực hồ Núi Cốc, đội ngũ cán bộ kiểm lâm đã thực hiện hiệu quả phương châm bám dân, bám chính quyền, bám rừng để bảo vệ vững chắc địa bàn quản lý.
Trên mặt hồ, chiếc xuồng nhỏ của Tổ tuần rừng rẽ nước lao đi như một nếp quen. Và gặp trên hồ những ngư tiều đánh cá, giữa họ thân thiện, gần gụi vì bởi từ lâu rồi, đội ngũ cán bộ kiểm lâm ở đây đã sống giữa lòng dân. Anh Đỗ Đình Trường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm hồ Núi Cốc tâm sự: Để bảo vệ được rừng, cán bộ kiểm lâm không thể đứng đơn lẻ, mà phải dựa vào dân, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được đầy đủ về giá trị của rừng phòng hộ đối với môi trường sống của chính con người. Cũng vì thế giữa Hạt và địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác trồng và bảo vệ rừng…
Qua câu chuyện với anh Trường, chúng tôi còn được biết: Trong năm 2019, Ban Quản lý rừng đã phối hợp với 6 xã vùng lòng hồ tổ chức 10 lớp tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng chống và chữa cháy rừng với 500 lượt người tham gia; tổ chức 5 lớp hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi đất trồng keo sang trồng các loại cây bản địa cho 250 người. Để hoàn thành nhiệm vụ, đội ngũ kiểm lâm viên chủ động phối hợp với các xóm, xã vùng lòng hồ lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua các buổi họp xóm, qua hệ thống loa truyền thanh, trong đó nhận mạnh các nội dung liên quan đến công tác trồng rừng, bảo về rừng, như không vào rừng đốt ong; không xâm phạm vào tài nguyên rừng; biểu dương các cá nhân, tập thể tích cực cùng lực lượng chức năng tham gia chữa cháy, cứu rừng, bảo vệ rừng. Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân được nâng cao, hiện tượng xâm phạm vào rừng phòng hộ không đáng kể.
Rừng là của dân - dân bảo vệ thì rừng mới còn cây. Và để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng, việc phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý rừng và chính quyền địa phương là cơ sở vững chắc, tạo lập niềm tin trong lòng dân về việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, như giao khoán rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình; cho tổ chức và cộng đồng thôn xóm; khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, từng bước tạo thành phong trào rộng khắp.
Theo ông Lê Trọng Tấn, Phó Ban Lâm nghiệp xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên): Khi chủ rừng là người dân địa phương, thì 1 cây trong rừng cũng không bị đánh cắp, và không sợ “bà hỏa” dọa nạt. Điển hình ở xóm 11 có 38 hộ dân nhận khoán bảo vệ hơn 172 ha rừng, hộ nhận nhiều như gia đình ông Lê Trọng Kiên, hơn 11 ha; hộ ông Nguyễn Văn Chín, 9,5 ha… 100% diện tích rừng bảo đảm an toàn.
Còn ông Đỗ Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tân Thái (Đại Từ): Các hộ dân tham gia nhận khoán vì tự thấy trách nhiệm của mình trước rừng. Hiện nhân dân trong xã đang nhận khoán bảo vệ hơn 122 ha rừng. Riêng xóm Suối Cái, cả cộng đồng dân cư cùng tham gia ký nhận hơn 58 ha.