Đưa khoa học - kỹ thuật đến với đồng bào

10:08, 15/07/2020

Nhằm giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận với nhiều giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, giai đoạn 2016-2019, huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở các xóm có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Một trong những mô hình hiệu quả phải kể đến là mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học doTrung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ triển khai (tháng 8-2019) tại xã Hợp Tiến và Tân Lợi - địa bàn có đông đồng bào dân tộc Dao, Sán Dìu… sinh sống. Anh Triệu Văn Hình, người dân tộc Dao tại xóm Đồn Trình (Hợp Tiến) cho biết: Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ kinh phí mua 200 con gà giống Ri lai Hòa Bình 1 ngày tuổi; thức ăn hỗn hợp; thuốc thú y; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học… Nhờ đó, sau 3 tháng, tỷ lệ gà sống đạt 100%, mỗi con nặng trung bình 2,3kg.Với giá bán 60.000 đồng/kg gà hơi, tôi thu lãi khoảng 37.000 đồng/con.

Ngoài anh Hình, trong xã còn có 13 hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Các hộ dân đều nhận định, tham gia mô hình đã giúp bà con có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà an toàn sinh học, nhất là có ý thức xây dựng chuồng trại có mái che, thông thoáng; nền trại được rải một lớp trấu, hằng ngày rải bột xử lý phân gà; cách tiêm phòng, thăm khám bệnh khi gà ốm… Từ đó, đàn gà phát triển tốt, ít dịch bệnh, chất lượng thịt ngon, tiêu thụ thuận tiện, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Từ thành công của các hộ tham gia mô hình tại xóm Đồn Trình, đến nay trên địa bàn xã Hợp Tiến có khoảng 200 hộ đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà Ri lai Hòa Bình có quy mô từ 100 - 2.000 con/lứa. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình còn rất thân thiện với môi trường, hạn chế mùi hôi so với cách việc chăn nuôi trước đây.

Bên cạnh mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, giai đoạn 2016-2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ còn phối hợp với Phòng Dân tộc huyện triển khai trên 30 mô hình sự nghiệp, mô hình giảm nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương. Các mô hình đầu tư cho đồng bào phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đơn cử như mô hình chăn nuôi dê sinh sản (Văn Hán); thâm canh cây hồng xiêm, xoài (Nam Hoà); trám ghép (Văn Lăng)… Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: Để triển khai các mô hình cóhiệu quả,Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách các xã hỗ trợ, giúp đỡ bà con đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức hơn 200 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 10.000 lượt người tham gia.

Với các cách làm hiệu quả, 5 năm qua, nhiều mô hình đã được nhân rộng như: Sản xuất rau an toàn tại xã Nam Hoà từ 5ha lên 10ha; trồng mít Thái từ 1.000 cây lên 3.000 cây tại các xã Tân Lợi, Hợp Tiến và Cây Thị... Bà con vùng đồng bào DTTS đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Qua đó, đã góp phần giúp 2.100 hộ vùng các vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thoát nghèo.

Theo ông Triệu Ngọc Sơn, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đánh giá hiệu quả của các mô hình đang triển khai nhằm nhân rộng ra trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xóm vùng đồng bào DTTS, miền núi. Đồng thời, tiếp tục triển khai các mô hình áp dụng giống mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.