Kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn

16:23, 28/07/2020

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản và từng bước thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vài năm trở lại đây, sản phẩm rau, củ, quả của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) luôn được tiêu thụ hằng ngày tại Siêu thị Minh Cầu. Sản xuất theo mùa vụ, các loại rau, củ, quả đều đạt tiêu chuẩn an toàn nên sản phẩm của Tổ hợp tác đã có “chỗ đứng” trong siêu thị.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy cho biết: Chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của Siêu thị. Sáng sớm ra ruộng hái rau, sơ chế, đóng gói rồi cân bán, buổi chiều bà con lại tiếp tục chăm sóc, bón phân. Từ ngày tham gia liên kết với Siêu thị, bà con chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm, giá cả cũng được giữ ổn định và cao hơn thị trường khoảng 10%. Bà con chúng tôi nhận thấy, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà còn để bảo vệ sức khỏe chính chúng tôi.

Còn chị Nguyễn Thị Xuyến, đại diện Công ty TNHH Nông sản Minh Vân (T.P Thái Nguyên) thì chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cung cấp từ 2-3 tạ rau, củ, quả được sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ cho một số cửa hàng bán thực phẩm sạch và 20 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Các sản phẩm của Công ty hiện nay gồm có: bầu, bí, mướp, rau cải, dưa chuột, dưa lê… Định hướng sản xuất của chúng tôi trong thời gian tới đó là đi sâu phát triển các loại cây lấy quả như dưa chuột, dưa lê. Đồng thời, chú trọng tới khâu chế biến sâu sản phẩm và quan tâm xây dựng thương hiệu.

Đại diện cho đơn vị cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, anh Trần Huy Luân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu cho biết: Mặc dù đã ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất rau, củ, quả an toàn nhưng chúng tôi vẫn phải kiểm chứng thông qua việc test nhanh ngẫu nhiên 1 số sản phẩm để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu, chúng tôi lập tức hủy hợp đồng cung cấp sản phẩm.

Ngoài các đơn vị nói trên, tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có với 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 45 chuỗi chè, 4 chuỗi rau, 1 chuỗi thịt gà, 1 chuỗi thịt lợn và 1 chuỗi giò chả. Trong năm 2019, có 23 sản phẩm của 13 cơ sở được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Nhằm duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sau xác nhận, hằng tháng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên xây dựng kế hoạch giám sát tại cơ sở về toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm trong chuỗi cung ứng, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, cấp tem dán nhận diện trên sản phẩm.

Ngoài ra, trong vòng 5 năm qua, Chi cục cũng đã lấy 647 mẫu để kiểm nghiệm 3 nhóm thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau, quả, chè; chỉ tiêu kháng sinh và nhóm chất cấm Beta agonist trên sản phẩm thịt. Kết quả, các chỉ tiêu đều không vượt mức giới hạn tối đa cho phép theo quy định.

Nói về công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, anh Dương Sơn Hà, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã đăng tải danh sách các cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn trên Website của Sở Nông nghiệp - PTNT, của Chi cục; Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội; Sở Nông nghiệp - PTNT T.P Hà Nội. Nội dung đăng tải gồm có tên cơ sở, địa chỉ cơ sở, số điện thoại, sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; địa điểm bán hàng của cơ sở… Sản phẩm an toàn sau khi được hỗ trợ, quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đã được người tiêu dùng cả nước biết đến và đón nhận tích cực, sản lượng tiêu thụ tăng từ 20-30%, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao.

goài ra, Chi cục còn tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn gồm các đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh và đại diện một số bếp ăn tập thể trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng để chuỗi liên kết nông sản an toàn thực sự phát huy hiệu quả, người sản xuất phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.