Không lo “khát” nước cấy vụ mùa

09:16, 16/07/2020

Vụ mùa được nông dân trong tỉnh coi là vụ sản xuất chính, nhất là với những diện tích cấy lúa phụ thuộc chủ yếu vào nước trời. Tuy nhiên, khác với mọi năm, đến thời điểm này, vụ mùa năm nay phải đón nhận những đợt nắng nóng kéo dài. 

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện nay, toàn tỉnh có 198 công trình thủy lợi, trong đó có 36 đập dâng, hồ chứa lớn; 25 đập dâng, hồ chứa loại vừa và 137 hồ chứa, đập dâng loại nhỏ. Những công trình này đang tích trữ đủ lượng nước, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất vụ mùa của bà con. Tuy nhiên, lượng nước ở các công trình này chỉ cung ứng cho những chân ruộng nằm gần hoặc có hệ thống kênh mương dẫn nước đến các chân ruộng. Còn những diện tích ở cao hay nằm ở những khu vực không có kênh mương dẫn nước, bà con muốn cấy lúa phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Vụ mùa năm nay, tỉnh ta có kế hoạch gieo cấy 39,3 nghìn héc-ta lúa, trong đó có ít nhất từ 10 đến 15% diện tích, nguồn nước cấy phải phụ thuộc vào nước trời, tập trung ở một số địa phương như vùng Tứ Tân (Tân Khánh, Tân Thành, Tân Hòa, Tân Kim - Phú Bình); các xã vùng cao của huyện Võ Nhai như Sảng Mộc, Thần Sa, Thượng Nung, Cúc Đường, Phương Giao, Bình Long; một số vùng cục bộ ở Đại Từ, Phú Lương...

Bà Lê Thị Hạ, một người dân ở xã Tân Kim (Phú Bình) nói: Hiếm có năm nào, vụ mùa lại thiếu nước cấy như năm nay. Trong tháng 6, nắng nóng kéo dài hai tuần, khi có mưa, lượng nước cũng không đáng kể. Tình trạng này cũng đang lặp lại ở hai tuần đầu của tháng 7. Thực tế này khiến chúng tôi rất lo lắng, nhất là khi khung thời vụ gieo cấy lúa mùa sớm và mùa trung (từ ngày 10 đến 20-6 và từ ngày 25-6 đến 10-7) đã kết thúc. Hiện chỉ còn khung thời vụ gieo cấy lúa mùa muộn, nhưng việc cày bừa, đổ ải, cấy lúa đang bị chậm tiến độ vì không đủ nguồn nước tưới.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, thực tế này không đáng lo ngại vì năm nay nhuận hai tháng 4 Âm lịch. Do đó, thời vụ vụ xuân cũng bị đẩy lùi 20 ngày, dẫn đến vụ mùa cũng đẩy lên thêm 20 ngày nữa. Như vậy, căn cứ vào sự dịch chuyển của thời tiết thì phải đến đầu tháng 8, khung thời vụ gieo cấy lúa mùa muộn mới kết thúc. Trong khi đó, hiện nay, tháng 5 Âm lịch sắp qua đi nên căn cứ theo quy luật thời tiết, khoảng cuối tháng 7 (tức đã sang tháng 6 Âm lịch) thời tiết mới chuyển mưa và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con tiếp tục xuống đồng hoàn thành gieo cấy lúa ở những diện tích phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Bà Trần Thị Giang Hảo, Phó Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Quang Minh (có trụ sở tại xã Tân Kim, Phú Bình) cho hay: Vụ mùa năm nay, chúng tôi có kế hoạch gieo cấy gần 9ha lúa giống BG1 nhưng hiện vẫn chưa tiến hành cày bừa, đổ ải, cấy lúa. Chúng tôi không lo ngại về tình trạng thiếu nước hiện nay. Với kinh nghiệm sẵn có sau nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, các kỹ sư, người lao động của đơn vị đều tin tưởng chỉ chưa đầy hai tuần nữa, mưa xuống, nước sẽ đầy đồng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất vụ mùa của Công ty.

Còn theo ông Nguyễn Tá, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành trên 60% diện tích so với kế hoạch gieo cấy lúa mùa, tập trung ở các địa phương như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình. Trong trường hợp xấu nhất là khi thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng tiếp tục kéo dài, trời không có mưa hoặc lượng mưa không đáng kể, ngành Nông nghiệp đã xây dựng phương án chuyển đổi những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả (thiếu nước cấy và dưỡng lúa trầm trọng) sang trồng cây màu có khả năng chịu hạn như ngô, đậu tương, lạc…

Do đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng trước tình trạng khan hiếm nước cục bộ mà nên tập trung vào việc chăm sóc tốt diện tích mạ hiện có, chuẩn bị đủ lượng phân bón cho ruộng… để đảm bảo có một vụ mùa thắng lợi.