Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 19/11/2018 và có hiệu lực từ 1/1/2020. Tuy nhiên, khi tiếp cận với các quy định của luật, người chăn nuôi có nhiều băn khoăn. Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này tại huyện Đồng Hỷ.
Trong Luật Chăn nuôi nghiêm cấm hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, khu dân cư, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đến nay, tỉnhThái Nguyên chưa ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi.
Xã Minh Lập hiện có hơn 100 trang trại, gia trại chăn nuôi (chủ yếu là chăn nuôi gà), chiếm 1/3 tổng số trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, trong đó, có quy định nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư khiến người dân ở đây trăn trở. Bởi lẽ, trong số hơn 100 trang trại, gia trại trên địa bàn xã, có tới 2/3 số trang trại, gia trại không nằm trong khu vực chăn nuôi tập trung của xã mà nằm rải rác trong hoặc gần khu dân cư.
Gia đình bà Hoàng Thị Nghĩa, ở xóm Cà Phê là một ví dụ điển hình. Gia đình bà xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà gia công từ năm 2007, với quy mô 4.000 con/lứa. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình bà Nghĩa đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Bà Nghĩa cho biết: Theo quy định mới, người dân ở khu dân cư sẽ không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, gia đình tôi chăn nuôi trước khi quy hoạch khu dân cư thì có nằm trong diện phải di dời hay không? Nếu phải di dời thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ như thế nào? Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể, tránh trường hợp gia đình xây chuồng trại mới lại phải tháo dỡ.
Cùng chung quan điểm với bà Nghĩa, anh Đặng Văn Sử, Bí thư Chi bộ xóm Cà Phê cho hay: Gia đình tôi nuôi 2.000 con gà lông màu được gần 10 năm nay. Chúng tôi chưa biết Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ như thế nào khi tạm dừng và khi di chuyển cơ sở ra khỏi khu dân cư. Đặc biệt, hiện nay, xã đã có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung nhưng hầu hết bà con có tâm lý dè dặt với nhiều lý do, như: xa nơi sinh sống; phải đầu tư kinh phí lớn để xây dựng hạ tầng; khó kiểm soát nếu có dịch bùng phát...
Không chỉ ở xã Minh Lập, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, người dân ở nhiều địa phương như: Hóa Thượng, Khe Mo,... cũng có trăn trở như trên. Ông Nguyễn Minh Huy, Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng cho biết: Xã hiện có 34 trang trại, gia trại chăn nuôi, cơ bản nằm xen kẽ trong quy hoạch khu dân cư, sẽ phải di dời theo quy định. Thực tế, nhiều cơ sở chăn nuôi có trước thời điểm quy hoạch khu dân cư và họ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, khi Luật Chăn nuôi mới có hiệu lực, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể để chúng tôi giải thích, tuyên truyền cho nhân dân.
Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có hơn 300 trang trại, gia trại chăn nuôi. Trong số đó, 15% số cơ sở chăn nuôi đang nằm trong khu vực dân cư. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Theo quy định của Luật Chăn nuôi, mỗi tỉnh sẽ ban hành quy định cụ thể ở từng vùng, từng khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn. Về việc này, huyện đang chờ chỉ đạo của tỉnh để hướng dẫn người dân thực hiện.
Di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là cần thiết nhằm đảm bảo môi trường sống, tuy nhiên, các ngành chức năng của tỉnh nên sớm quan tâm, có hướng dẫn để người dân thực hiện.