Gần tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nhưng thương binh Nguyễn Văn Lợi, tổ dân phố Đại Cát, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Hằng ngày ông chăm sóc cho đàn lợn, gà, chim bồ câu, vườn cây ăn quả cùng mấy luống rau xanh trong vườn. Khi rảnh, bạn bè đồng ngũ, bà con lân cận đến nhà cùng ông trò chuyện.
Ông là con cả trong một gia đình nông dân nghèo, phải dang dở học hành để làm lụng cùng cha mẹ nuôi 3 người em ăn học. 19 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau nửa năm tham gia huấn luyện quân sự, ông được điều động vào mặt trận phía Nam. Ông kể: Gian nan nhất là chặng đường từ bờ sông Gianh (Quảng Bình) đến vùng rừng núi Ngọc Hồi (Kon Tum), thuộc ngã ba Đông Dương. Chúng tôi hành quân trong thời gian gần 50 ngày mới đến địa điểm tập kết. Điểm binh, quân số của đơn vị hao rất nhiều vì bị sốt rét ác tính; do bị máy bay địch đánh bom dọc đường. Tôi được biên chế vào đơn vị pháo thuộc Trung đoàn 31, Sư đoàn 2. Kể từ đó chúng tôi liên miên với trận mạc tại các tỉnh Gia Lai, Bình Định và Quảng Nam.
Ông nhớ lại: Hôm ấy, cuối tháng 4-1975, lúc 8 giờ, đơn vị được lệnh nã pháo vào trận địa của địch. Đây là trận mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cũng chỉ ít phút sau, địch phản pháo ác liệt, một quả đạn rơi sát gần Khẩu đội, đồng chí Trần Xuân Tuyết, người Nam Định bị mảnh pháo phạt đứt cánh tay phải, còn tôi bị mảnh pháo “ăn” từ sau bả vai xuyên qua phổi, đâm thủng màng tim. Sau khi lấy được mảnh thép ra khỏi cơ thể, các bác sĩ Viện Quân y 108 cho biết: Mảnh pháo đi chệch nửa li nữa thì tôi trở thành liệt sĩ. Sau nửa năm điều trị, tôi trở về đơn vị cũ nhận nhiệm vụ. Năm 1976, vì lý do sức khỏe - thương binh 2/4, đơn vị cho chuyển ngành về Nhà máy toa xe Lương Sơn (Thái Nguyên).
Nhìn cảnh nhà động đâu thiếu đó, nên 3 tháng sau, ông xin thôi làm công nhân, về khoác áo thợ cày. Thấy ông nhiệt tình, năng động với công tác phong trào, địa phương giao cho ông làm Phó Bí thư xã Đoàn, kiêm Đội trưởng sản xuất Đại Cát. Công việc cuốn ông tối ngày, hết đồng trong lại đồng ngoài mà kinh tế gia đình vẫn lo ăn từng bữa. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức nhưng ông không dám nói vì sợ người thân lo lắng.
Ông kể: Cũng vì muốn các con không bị đói, tôi đã lao động không kể thời gian: Ngoài ruộng khoán, tôi mua trâu, tậu xe gỗ làm dịch vụ vận chuyển; làm máy xay xát; làm đậu phụ; nấu rượu; chăn nuôi lợn. Kinh tế gia đình dần ổn định, 5 người con của vợ chồng tôi lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Tôi luôn căn dặn các con, cháu trong nhà không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, không được làm điều ác và phải biết sống hướng thiện...
Trong ngôi nhà xây khang trang khá đầy đủ tiện nghi, chỉ còn ông cùng người vợ từng hơn 40 năm san sẻ, bươn chải vượt lên những khó khăn của cuộc sống đời thường. Nhất là lúc vết thương dày vò thể xác, bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ ông lại thủ thỉ động viên, chăm từng thìa cháo để mau vực lại sức. Ông bảo: Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, nhưng nhiều đồng đội tôi còn gửi xác ở rừng thẳm. Vì sức khỏe hạn chế, nên từ sau ngày xuất ngũ về quê, tôi chỉ thực hiện được 2 chuyến đi đón hài cốt đồng đội về với gia đình.
Ông dừng lời, giọng nghẹn lại, hướng đôi mắt nhìn ra khoảng vườn đầy nắng tháng Bảy. Tôi nhìn theo thấy có đôi chim bồ câu đang gù gù hạnh phúc. Ông chợt bần thần bởi nhớ đến những đồng đội từng một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ đã không có ngày về. Ông thủ thỉ: Chỉ có những người lính trực tiếp chiến đấu dưới bom đạn mới cảm thấu được hết sự tàn khốc của chiến tranh, tôi mong những đồng đội mình bị hy sinh, được trở về đất mẹ, không còn mang trên mộ chí dòng chữ “vô danh”.