Nhiều biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi

17:10, 20/07/2020

Những ngày qua, thời tiết liên tục xuất hiện nắng nóng gay gắt với nền nhiệt phổ biến từ 37-39 độ C, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Trước thực trạng trên, ngành chức năng và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống nắng, nóng cho đàn gia súc, gia cầm, tránh gây thiệt hại về kinh tế.

Bước vào mùa nắng nóng, gia đình chị Ngô Thị Dịu, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình) luôn chú trọng đảm bảo thức ăn, nước uống đầy đủ cho đàn lợn hơn 200 con của gia đình. Trao đổi với chúng tôi, chị Dịu chia sẻ: Đợt nắng nóng kéo dài trong những ngày qua khiến nhà tôi phải chạy liên tục hệ thống giàn mát và quạt thông gió để làm mát chuồng lợn. Ngoài ra, nhà tôi thường xuyên tắm cho lợn 2 lần mỗi ngày và dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, kết hợp với tăng cường bổ sung chất điện giải cùng một số khoáng chất. Để phòng bệnh, nhà tôi cũng đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin đối với một số bệnh như: dịch tả, tụ huyết trùng… Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình tôi vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, nhà tôi vừa xuất chuồng 20 con với trọng lượng trung bình 1,1 tạ/con.

Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, việc áp dụng các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi cũng được các hộ dân đặc biệt quan tâm. Những ngày nắng nóng, gia đình anh Nguyễn Minh Khang, xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã lắp thêm quạt thông gió và phủ rơm, rạ lên mái chuồng để hạ nhiệt cho đàn gà. Anh Khang cho biết: Gà là loài vật chịu nóng kém, nếu nhiệt độ trên 39 độ C mà không được làm mát kịp thời sẽ bị chết hàng loạt. Vì vậy, cùng với việc che chắn chuồng trại, gia đình tôi còn thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng bằng các chế phẩm sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Đồng thời cung cấp đủ nước sạch, có bổ sung chất điện giải cho đàn gà nhằm tăng sức đề kháng. Đặc biệt, những ngày nắng gay gắt, nhà tôi tập trung cho gà ăn vào buổi sáng sớm và chiều mát, tránh khung giờ cao điểm từ 9-16h.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương khác trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, đa phần các hộ chăn nuôi đều có ý thức bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ thực hiện che chắn chuồng trại, phun nước lên mái làm mát và giãn mật độ đàn vật nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức chuồng kín đều có trang bị máy phát điện để đề phòng mất điện vẫn đảm bảo làm mát cho đàn vật nuôi. Thời điểm nắng nóng, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: hen, rù, cúm, khô chân trên đàn gia cầm; tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, tả trên đàn lợn; cảm nóng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò… Vì vậy, các hộ chăn nuôi cũng chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Cụ thể, theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm phòng trên 97,6 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng trên đàn gia súc; 132 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 102 nghìn liều vắc-xin tụ dấu lợn; 43 nghìn liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; vắc-xin cúm gia cầm 2,4 triệu liều… Từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai tiêm phòng vắc-xin đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo không để xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Dự báo, trong thời gian tới, nắng nóng vẫn còn xuất hiện trên diện rộng với cường độ mạnh. Để duy trì, phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi, bà con cần chú ý chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Cùng với biện pháp làm mát chuồng trại, bà con lưu ý cung cấp đủ nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết. Đặc biệt, người dân cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh phải kịp thời báo cơ quan chuyên môn để có hướng điều trị, xử lý kịp thời, tuyệt đối không được bán chạy gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc vứt xác động vật ra ngoài môi trường, dễ gây lây lan dịch bệnh.