Thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển

15:26, 06/07/2020

Những năm gần đây, việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn (nhất là tại các làng nghề) là một trong những hướng đi thích hợp giúp huyện Phú Bình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Chất lượng cuộc sống cho người dân ở các làng nghề cũng ngày càng được nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Bình cho biết: Huyện có 10 làng nghề và gần 3.000 cơ sở sản xuất TTCN, tăng 866 cơ sở so với năm 2015. Những sản phẩm TTCN chủ yếu của huyện có sự tăng trưởng tốt là đồ gỗ mỹ nghệ, ván bóc, ván dăm, gạch bê tông, các sản phẩm cơ khí… Các cơ sở sản xuất TTCN, làng nghề đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Hiện nay, trong số 10 làng nghề thì có 5 làng nghề phát triển ổn định, gồm: Làng nghề sản xuất mộc mỹ nghệ ở các xã Xuân Phương, Kha Sơn và Nga My; Làng nghề chế biến tương nếp xã Úc Kỳ và Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa xóm Phẩm, xã Dương Thành. Số còn lại là các làng nghề chè và làng nghề mây tre đan gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, nhân lực.
 
Để phát triển sản xuất TTCN, đặc biệt là tại các làng nghề, thời gian qua, huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký kinh doanh, tổ chức sản xuất; khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, trong đó tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống; khuyến khích các cơ sở đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Bên cạnh đó, huyện cũng tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và tăng doanh thu… Ví dụ như với nguồn vốn khuyến công của Trung ương và tỉnh, huyện Phú Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh triển khai đề án khuyến công trong giai đoạn 2016-2019 với tổng kinh phí hỗ trợ 1,67 tỷ đồng, qua đó nhiều cơ sở sản xuất TTCN trong làng nghề đã được hỗ trợ và phát triển ổn định.
 
Là 1 trong những cơ sở TTCN được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, anh Nguyễn Duy Hồng, chủ xưởng đồ mộc mỹ nghệ ở Làng nghề Mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn vui mừng cho biết: Năm 2019, từ Đề án khuyến công của tỉnh, gia đình tôi được tỉnh hỗ trợ 85 triệu đồng mua máy điêu khắc tự động (chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị máy). Nguồn hỗ trợ này giúp gia đình có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất. Từ khi có máy móc hỗ trợ, các sản phẩm làm ra nhanh, đồng đều về kiểu dáng và kích thước, đảm bảo chất lượng, xưởng có thêm nhiều khách hàng hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi nên sau đó tôi quyết tâm đầu tư thêm 4 máy điêu khắc tự động. Hiện, xưởng chuyên nhận các đơn chế tác, điêu khắc của các cơ sở khác trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, xưởng thu lãi trên 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
 
Cùng với việc giúp các cơ sở sản xuất TTCN trong làng nghề được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, để tạo nền tảng và định hướng cho các làng nghề phát triển, huyện Phú Bình cũng chỉ đạo các địa phương quan tâm đến việc thành lập, phát triển các hợp tác xã, Tổ hợp tác, tổ liên kết. Các tổ chức này sẽ đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống, chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
 
Theo ông Dương Thanh Tùng, việc phát triển các ngành nghề TTCN và làng nghề đã góp phần tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, qua đó giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên để ngành nghề TTCN và làng nghề trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển, thì địa phương rất cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp các ngành, tạo điều kiện cho các hộ viên được vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, nhất là tháo gỡ khó khăn cho 5 làng nghề chè và mây tre đan của huyện.