Tuy sinh ra và lớn lên ở trung tâm T.P Thái Nguyên nhưng tôi lại có vô số những kỷ niệm gắn bó với rừng xanh. Bản người Tày có cái tên rất lạ - bản Ó, nơi chôn nhau, cắt rốn của cha tôi nằm ở một thung lũng, bốn bề là rừng núi nơi miền qua xa xôi Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Vì lẽ ấy, mỗi kỳ nghỉ hè, tôi có đến ba tháng trải nghiệm cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với lũ trẻ miền sơn cước. Và đi rừng chăn trâu, lấy măng, vác củi, hái nấm, tra mố, trồng ngô… là những phần việc rất đỗi quen thuộc với một cô gái thị thành có nguyên quán “đậm chất” vùng sâu, xa như tôi.
Tuổi thơ vụt qua và những chuyến đi rừng vào mỗi dịp nghỉ hè ở quê nội luôn thấm đẫm trong tôi bao kỷ niệm. Ngày ấy, rừng xanh thăm thẳm, chim chóc ríu ra, ríu rít, tiếng bìm bịp gọi nhau “hối hả” vang vọng cả núi rừng. Thích nhất là được ngắm những cây cổ thụ, thân cây to đến độ bốn, năm người chúng tôi ôm không xuể; được ngồi dưới gốc cây sấu già nhặt từng quả to, mọng ăn ngấu nghiến. Cả những cây bứa trĩu trịt quả là quả, chúng tôi vặt, ăn từng múi ngọt lành đến no bụng mới chịu lùa đàn trâu từ rừng trở về…
Ngoảnh đi, ngoảnh lại đã mấy chục năm trôi qua. Giờ, mỗi khi có dịp đến các bản, làng vùng cao nằm dưới những vạt rừng ở Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương; những nơi có trùng trùng, điệp điệp dãy núi đá vôi của huyện vùng cao Võ Nhai…, tôi cố gắng kiếm tìm những hành ảnh thân thuộc của tán rừng xanh với tầng tầng, lớp lớp cây cối, nhưng dường như những tán rừng nguyên sinh giống như quê tôi năm nào, ở Thái Nguyên đã không còn nhiều nữa. Điều đó cho thấy cuộc chiến giữ rừng gian nan biết chừng nào.
Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên khá rộng lớn với hơn 353.000ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp xấp xỉ 180.000ha (rừng đặc dụng chiếm trên 36.000ha; rừng phòng hộ là 46.000ha và phần còn lại là rừng sản xuất). Với diện tích rừng khá rộng lớn như vậy, nhất là diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm xấp xỉ 50% diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh, những năm qua, lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên đã luôn phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cuộc chiến giữ rừng chưa bao giờ hết khó. Đơn cử như năm 2012, là thời điểm lâm tặc lộng hành ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Võ Nhai).
Ông Vũ văn Phán, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm:Năm 2020, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp dự ước đạt khoảng 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này thì công tác quản lý, bảo vệ rừng không thể tách rời với hoạt động sản xuất. Vì lẽ đó, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tỉnh cần lắm sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan trong bảo vệ rừng, truy quét chống chặt phá rừng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Chỉ khi quản lý bảo vệ rừng và khai thác lâm sản được thực hiện tốt từ cơ sở, vai trò trách nhiệm của chủ rừng được nâng cao thì rừng xanh của Thái Nguyên mới có thể được bảo toàn bền vững, duy trì được mục tiêu ổn định độ che phủ rừng trên 46% (tiêu chí mới) và 53% (tiêu chí cũ) đã đề ra… |
Anh Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc BanQuản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng kể lại: Hồi ấy, lâm tặc hoạt động rất tinh vi. Chúng không chọn kiểu tàn sát cả vạt rừng mà chọn từng cây lớn để “đánh tỉa”. Đặc biệt, chúng có đội “chim lợn” thông tin thường xuyên để đối phó với lực lượng kiểm lâm. Tôi còn nhớ, vào khoảng tháng 6-2012, lực lượng liên ngành của huyện Võ Nhai với nòng cốt là kiểm lâm đã huy động gần 30 người trang bị vũ khí súng đạn truy quét, phá dỡ “đại bản doanh” của lâm tặc ở Nghinh Tường. Nhưng từ thông tin của “chim lợn”, các đối tượng đã kịp tẩu thoát lên núi. Sau khi lán trại bị phá dỡ khoảng 1 tuần, các đối tượng quay trở lại tiếp tục sửa lán hoạt động. Chúng tôi tiếp tục truy quét. Mỗi lần bị truy quét như là một trận chiến. Gian nan là vậy, nhưng chúng tôi vẫn không rời xa công việc giữ rừng.
nhiều, nguy cơ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị tàn phá càng cao. Trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng (có những khu vực 1 kiểm lâm viên địa bàn phụ trách từ 2 đến 3 xã) thì các đối tượng phá rừng lại đông và thủ đoạn khai thác gỗ trái phép ngày càng tinh vi với nhiều phương tiện hỗ trợ hiện đại. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên nói: Để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép, chúng tôi phải thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm Lâm luật. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã xử lý 57 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 35,95%); tịch thu 61,42m3gỗ quy tròn các loại (giảm 46,6%) và thu nộp ngân sách Nhà nước hơn332 triệu đồng.
Cùng với việc tuần tra, kiểm soát, để giữ rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với lực lượng Kiểm lâm. Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm, thông qua việc thường xuyên kiểm tra, nắm bắt, chỉ đạo..., lượng lượng Kiểm lâm đã làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ cháy rừng, nhưng đều được khống chế kịp thời, thiệt hại không đáng kể (ảnh hưởng khoảng hơn 10ha rừng sản xuất).
Len lỏi đi trong những tán rừng Tam Đảo, hòa mình vào làn nước mát ở hồ Vai Miếu, xã Ký Phú (Đại Từ), chúng tôi càng thấu hiểu được sự vất vả của những “chiến sĩ” giữ rừng. Bởi, với những cán bộ kiểm lâm, giữ rừng không chỉ đơn thuần là ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép, bảo tồn động vật hoang dã, phòng chống cháy rừng… mà còn không để những phần tử xấu khai thác khoáng sản trái phép trong rừng xanh làm mất mát nguồn tài nguyên, khoáng sản của đất nước, ảnh hưởng đến các tầng sinh thái của những khu rừng nguyên sinh đã được gìn giữ bao đời nay.
Minh chứng điển hình nhất là tình trạng khai thác quặng sắt trái phép ở khu rừng thuộc vườn quốc gia Tam Đảo (nằm trên địa phận xã Ký Phú, Đại Từ) của hơn 10 năm về trước. Khi ấy, mỗi trận mưa, dòng nước đỏ au từ trên rừng ào ạt đổ xuống hồ Vai Miếu. Những kẻ coi thường pháp luật thậm chí còn nổ mìn trái phép để khai thác quặng khiến cho vài nghìn mét vuông rừng Tam Đảo trở nên tan hoang với những hang, hố sâu hút. Khi ấy, các kiểm lâm viên lại kiên trì bán trụ nơi rừng xanh… chốt chặn các ngả đường vận chuyển quặng của những kẻ đang bòn rút tài nguyên, khoáng sản trái phép. Thậm chí, vào năm 2009, trong một lần tuần rừng, cán bộ Trạm Kiểm lâm Ký Phú đã bao vây được đám “quặng tặc” nhưng vì lực lượng quá mỏng nên một cán bộ đã bị quặng tặc hành hung và mất 36% sức khỏe, nhiều cán bộ khác bị thương nhẹ...
Máu của những “chiến sĩ” giữ rừng đã đổ xuống, thậm chí có người đã hy sinh và cuộc chiến giữ rừng sẽ còn nhiều gian khổ. Dù vậy, “tiếng gọi” của rừng xanh vẫn luôn thôi thúc những cán bộ kiểm lâm ngày đêm bám trụ, gắn bó với rừng để bảo vệ “lá phổi xanh” của đất nước; để những cánh rừng không bị tàn phá và để rừng giữ đất, giữ nước quê hương…