Các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội cho các gia đình người có công (NCC) với cách mạng… luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, trong đó, có chính sách về tín dụng. Những năm qua, bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nhiều gia đình NCC trên địa bàn huyện Phú Bình đã được tiếp sức để vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.
Trung bình mỗi năm chị Nguyễn Thị Nguyệt, thân nhân liệt sĩ ở xóm U, xã Tân Hòa phải lọc máu ít nhất 2 lần với chi phí điều trị và tiền thuốc lên đến hàng chục triệu đồng, nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2019, chị Nguyệt được NHCSXH Phú Bình tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình dành cho hộ cận nghèo. Với số tiền này, chị đã mua 2 con bò nái, sửa chữa chuồng trại nuôi 1.000 con gà và trồng 0,5ha keo lấy gỗ.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyệt cho biết: Cùng với việc vay vốn, tôi còn được cán bộ khuyến nông xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Đầu năm nay, giá gà tăng cao, gia đình tôi thu lãi 50 triệu đồng từ chăn nuôi gà. Kinh tế bớt khó khăn, tôi cũng yên tâm chữa trị bệnh, làm tròn bổn phận chăm lo cho gia đình và thờ cúng liệt sĩ.
Còn với gia đình nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Kim Chi ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn, số tiền 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay NHCSXH Phú Bình năm 2018 đã giúp gia đình ông phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống cho 7 nhân khẩu. Từ số tiền vay, ông Chi đã mua 2 con trâu sinh sản, sau một thời gian chăn nuôi, gia đình đã có thêm 1 nghé con. Ông Chi cho biết: Năm ngoái, tôi đã bán con trâu đực với giá 22 triệu đồng, hiện tại nghé con đang được trả giá trên 20 triệu, trâu mẹ được định giá 30 triệu đồng. Là NCC nên tôi được ưu tiên bố trí vay vốn từ NHCSXH với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, lãi suất thấp hơn các ngân hàng khác.
Không chỉ chị Nguyệt, ông Chi mà nhiều gia đình chính sách, đặc biệt là gia đình NCC trên địa bàn huyện Phú Bình đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay NHCSXH để phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Đức Giang, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình: Toàn huyện hiện có trên 11.000 đối tượng NCC với cách mạng. Những năm qua, ngoài việc thực hiện các chính sách chung của Đảng và Nhà nước, để hỗ trợ các gia đình NCC ổn định cuộc sống, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương, thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH huyện tạo điều kiện ưu tiên để các gia đình NCC được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi. Hiện, hầu hết các gia đình NCC trên địa bàn đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của khu vực dân cư sinh sống.Từ năm 2015 đến nay, số hộ gia đình NCC là hộ nghèo đã giảm từ 75 xuống còn 35 hộ. Huyện phấn đấu xóa nghèo cho gia đình NCC trong năm 2020.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để các nguồn vốn chương trình cho vay phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Phú Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm - vay vốn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hộ vay theo hướng “cầm tay chỉ việc”, thực hiện theo đúng phương châm đúng quy định, đúng nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, các đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm cơ hội cho nhiều người được vay vốn. Qua kiểm tra cho thấy các trường hợp được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương, từ đó đầu tư sản xuất có hiệu quả, cải thiện sinh kế cho gia đình. Đặc biệt, bên cạnh vốn vay tín dụng, các gia đình NCC có ít lao động, sức khỏe yếu đều được các xã, thị trấn quan tâm giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật, ngày công lao động, con giống… để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Đào Đại Hiền, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Bình thông tin: Để góp phần giúp các đối tượng, gia đình NCC có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện rà soát các trường hợp có nhu cầu vay, tạo điều kiện tốt nhất về quy trình thủ tục và ưu tiên nguồn vốn. Cùng với đó là phối hợp với cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng hiệu quả nguồn vốn.