Áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc cho nông sản

08:04, 06/08/2020

Truy xuất nguồn gốc là giải pháp minh bạch quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng đánh giá chất lượng từ đó nâng cao giá trị, tính bền vững cho sản phẩm. Giải pháp này đang được huyện Võ Nhai hỗ trợ bà con nông dân triển khai trên nhiều sản phẩm nông sản sạch, nông sản an toàn.

Chỉ khoảng 2 đến 3 tuần tới đây, sản phẩm na La Hiên sẽ chính thức vào mùa. Bà con nông dân nơi đây đang chuẩn bị cho một vụ thu hái đầy hứa hẹn. Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên xã La Hiên có 40ha na VietGAP với sản lượng ước đạt gần 700 tấn bán ra thị trường được dán tem truy xuất nguồn gốc chứa đầy đủ thông tin về nguồn gốc cây trồng, quy trình sản xuất, tiến trình chăm bón, thu hái và thông tin cụ thể về hộ sản xuất cũng như chỉ dẫn địa lý thương hiệu. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh đi kèm phần mềm quét tem mã hoá dán trên mỗi sản phẩm, người dùng có thể biết được toàn bộ thông tin.

Ông Trần Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Từ năm 2019, xã La Hiên đã xây dựng thành công 40ha trồng na đạt tiêu chuẩn VietGAP thuộc các xóm: Hiên Minh, Xuân Hòa, Hiên Bình và La Đồng. Xã cử cán bộ thường xuyên phối hợp với bộ phận chuyên trách của Sở Khoa học & Công nghệ hướng dẫn, thống kê toàn bộ quy trình sản xuất, tiến trình chăm sóc, thu hái của các hộ dân trồng na VietGAP. Dữ liệu này được cập nhật thường xuyên vào cơ sở dữ liệu điện tử để phục vụ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm bán ra sau này.

Bà Chu Thị Quy, Tổ trưởng Tổ VietGAP xóm Hiên Minh (La Hiên) cho biết: Toàn bộ 54 thành viên trong tổ chúng tôi đều thống nhất cao và tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất theo VietGAP nên việc báo cáo nhật trình chăm bón, thu hái để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất thuận lợi. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng vào sản phẩm na an toàn do chúng tôi sản xuất.

Dù chưa phổ biến nhưng câu chuyện áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng không còn xa lạ với nông dân Võ Nhai. Năm 2019, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tuyên truyền, kết nối người sản xuất nông sản với các ngành chức năng, tổ chức kinh tế để hình thành một số mô hình sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn gắn liền với minh bạch quy trình, tiến trình sản xuất qua giải pháp truy xuất nguồn gốc. Trong đó, mô hình tiên phong là: Mô hình truy xuất nguồn gốc chè hữu cơ sinh học của chị Vũ Thị Vương ở xóm Chiến Thắng, xã Bình Long; Mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi Tràng Xá của của HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá.

Riêng HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá từ cuối năm 2019 đã xuất bán 5.000 quả bưởi an toàn được thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc. Dù chưa có đầy đủ thông tin về tiến trình chăm sóc, nhưng những thông tin về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc sản phẩm và quy trình sản xuất cũng đã giúp bưởi Tràng Xá tạo được uy tín trên thị trường. Anh Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá chia sẻ: Tiếp nối thành công của quả bưởi, năm nay, HTX tiếp tục thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chè và mật ong. Với sự giúp đỡ của chuyên môn của huyện, chúng tôi đã triển khai cho các các thành viên nòng cốt của HTX cập nhật thường xuyên tiến trình sản xuất nhằm minh bạch dữ liệu cho từng sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Minh Tuấn, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn và hoàn thiện đề án xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp huyện Võ Nhai, hướng tới liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm giai đoạn 2020-2025. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi lưu trữ chung đối với cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn qua đó hỗ trợ tích cực cho người nông dân tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.