Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

10:58, 05/08/2020

Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn T.X Phổ Yên bị thu hẹp để phục vụ các công trình, dự án. Để nâng cao giá trị cây trồng và cải thiện thu nhập, nhiều diện tích đất cây lúa kém hiệu quả đã được bà con nông dân chuyển sang trồng các giống cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, T.X Phổ Yên có hơn 7.600ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 5.000ha đất cấy lúa, còn lại là trồng rau màu và một số cây trồng khác. Từ năm 2016 đến nay, địa phương đã chuyển đổi gần 500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và cây ăn quả. Trong đó, có gần 350ha đất trồng cây hàng năm (hoa, rau, ngô, đậu tương…) tập trung ở các xã: Đông Cao, Tân Phú, Trung Thành, Nam Tiến, Tân Hương; 150ha trồng các loại cây ăn quả (nhãn, bưởi, cam, ổi…) ở các xã: Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công. Sau khi thực hiện chuyển đổi, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, thu nhập của người dân tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Đơn cử như, trồng hoa, rau cho thu nhập 15-20 triệu đồng/sào, tăng gấp 10 lần so với trồng lúa; còn đối với trồng cây ăn quả cho thu nhập cao gấp 5 lần.

Ví dụ như xã Đông Cao, người dân đã chuyển đổi hơn 70ha đất cấy lúa sang chuyên canh rau, tập trung ở các xóm: Soi, Trại, Việt Hùng. Theo bà Nguyễn Thị Nga, người dân xóm Việt Hùng, phần lớn diện tích cấy lúa (khoảng 2ha) người dân chuyển đổi sang trồng rau là do thiếu nước vào cuối vụ. Hiện nay, toàn bộ rau giống làm ra không chỉ cung ứng cho người dân địa phương, các vùng lân cận mà còn được thương lái từ các nơi đến đặt mua. Mỗi vụ rau giống, người dân thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào/lứa.

Đi trên cánh đồng hoa thuộc xã Nam Tiến, không ai nghĩ trước đây khu vực này là những thửa ruộng khô cằn, chỉ cấy được một vụ lúa. Anh Dương Đức Hiển, ở xóm Trường Thịnh - người tiên phong đưa cây hoa vào trồng thay thế cây lúa chia sẻ: Năm 2007, trong một lần ghé thăm mô hình trồng hoa tại tỉnh Vĩnh Phúc, được người dân địa phương chia sẻ kinh nghiệm, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 mẫu (khoảng 5.000m2) đất cấy lúa của gia đình sang trồng hoa lily, các loại hoa cúc… cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/vụ. Từ hiệu quả kinh tế mô hình trồng hoa trên đất cấy lúa của gia đình anh, đến nay, xã Nam Tiến đã có hơn 30 hộ dân thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng trên 3ha hoa các loại, tập trung ở xóm Trường Thịnh và xóm Đồi.

Cùng với trồng cây hoa màu, người dân các địa phương: Phúc Tân, Phúc Thuận, Bắc Sơn, Đắc Sơn, Thành Công, Minh Đức cũng đã lựa chọn đưa cây ăn quả vào trồng thay thế trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả. Ông Hoàng Mạnh Quân, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai. Ở một số diện tích cấy lúa khó lấy nước, xã đã khuyến khích bà con chuyển sang trồng cây ăn quả các loại như: am Vinh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, nhãn, táo, ổi đường... với diện tích hơn 30ha. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung với diện tích khoảng 140ha, tập trung nhiều ở các xóm: Thuận Đức, Lầy, Chằm, Đầm Mương.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ đất cấy lúa sang trồng các cây khác trên địa bàn T.X Phổ Yên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm. Đến nay, giá trị canh tác trên 1ha đất nông nghiệp tại địa phương đạt trên 102 triệu đồng/năm (tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2018); góp phần đưa thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt trên 42 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3%...

Để đảm bảo việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác mang lại hiệu quả, đúng quy hoạch và phù hợp với thực tế địa phương, ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Trước khi thực hiện chuyển đổi, Thị xã cũng đã yêu cầu các xã lập quy hoạch, báo cáo chi tiết về diện tích chuyển đổi, hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cây trồng để theo dõi và giám sát. Việc chuyển đổi phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng để sử dụng vào mục đích khác; đồng thời khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo phục hồi hiện trạng ban đầu để có thể gieo cấy lúa trở lại khi cần thiết.