Những năm qua, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều dự án, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây mới, nâng cấp. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, gia đình anh Dương Văn Toán, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) thường dùng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do nguồn nước không được đảm bảm nên hầu hết các thiết bị đun nấu, đồ dùng đựng nước của gia đình đều bị ố vàng, hoen gỉ, nước uống có mùi tanh. Do vậy, cứ sau 3 ngày, gia đình anh lại phải cọ bể chứa nước 1 lần, rất bất tiện. Anh Toán cho biết: Từ khi chuyển sang dùng nước dẫn về từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của xã, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm vì nước trong, sạch cặn. Nhờ vậy, điều kiện sinh hoạt của gia đình cũng đảm bảo an toàn và tiện lợi hơn.
Giống như gia đình anh Toán, gia đình bà Đặng Thị Tuyến, ở xóm Đồng Thịnh, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cũng rất yên tâm khi được sử dụng nguồn nước sinh hoạt của Nhà máy nước Hóa Thượng. Bà Tuyến chia sẻ: Nguồn nước của Nhà máy theo đường ống tự động chảy lên téc chứ nhà tôi không phải mất công bơm như dùng nước giếng trước đây.
Cùng chúng tôi đi thực tế tại nhà điều hành và khu bể lọc, anh Đào Sinh, cán bộ trực quản lý vận hành Nhà máy nước Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Hiện, Nhà máy hoạt động với công suất trên 1.900m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 2.800 hộ dân trong xã. Về quy trình hoạt động của Nhà máy, trước tiên, chúng tôi bơm nước lên bể lắng, bể lọc, sau đó xử lý hóa chất rồi bơm về bể chứa để cung cấp đến từng hộ dân.
Được biết, để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã triển khai xây mới 7 công trình và nâng cấp, mở rộng 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh. Hiện, Trung tâm đang quản lý sau đầu tư 23 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó, có 15 công trình cấp nước theo công nghệ bơm dẫn, 8 công trình cấp nước tự chảy, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 20 nghìn hộ dân. Trong đó, nhiều công trình cấp nước tập trung đang phát huy tốt hiệu quả tại các địa phương như: Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Huống Thượng, Linh Sơn (T.P Thái Nguyên); Ký Phú, Văn Yên (Đại Từ)… Nhìn chung, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Trung tâm quản lý và khai thác cơ bản hoạt động ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn) cho biết: Các nhà máy, công trình cấp nước do Trung tâm quản lý hằng năm đều được kiểm tra vệ sinh chất lượng nước định kỳ theo quy định, các mẫu nước xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn tỉnh đã tăng từ 85% (năm 2016) lên 93,5% hiện nay, dự kiến đến hết năm 2020 đạt tỷ lệ 95%. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Có thể thấy, việc cung cấp nước sạch không những nâng cao chất lượng đời sống mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân chung tay thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để các công trình phát huy hiệu quả lâu dài, đơn vị quản lý cần thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng, bảo dưỡng máy móc, áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo chất lượng nguồn nước và tăng tuổi thọ công trình.