Dù còn khó khăn, hạn chế và cả những yếu kém nhất định nhưng vài năm gần đây, kinh tế hợp tác xã (HTX) tại huyện vùng cao Võ Nhai có khởi sắc đáng kể. Ngoài sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành thì việc các HTX ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế, hoạt động đúng bản chất là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, hiệu quả của chính các đơn vị này.
Gần đây, huyện Võ Nhai liên tục có các HTX nông nghiệp thành lập mới, do những người trẻ tuổi, năng động gây dựng và lãnh đạo, nhiều thành viên cũng là những người trẻ, dám nghĩ dám làm. Điển hình là các đơn vị như: HTX Nông nghiệp Trâu Vàng, HTX Nông nghiệp và Thương mại Bình Minh, HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá, HTX Nông sản an toàn Liên Minh, HTX Nông sản sạch La Hiên, HTX Nông nghiệp và Thương mại La Hiên, HTX Thịnh Vượng…
Các HTX này hoạt động ở khu vực nông thôn, miền núi, với lĩnh vực phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương, sẵn nguồn nguyên liệu tại chỗ (cây ăn quả, dược liệu, lâm sản, chăn nuôi đại gia súc…). Điểm chung nổi bật của các HTX là đều hướng đến sản xuất sạch, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và bắt đầu có liên kết với doanh nghiệp. Anh Nông Văn Tiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trâu Vàng (xã Lâu Thượng) chia sẻ: Trên địa bàn có khá nhiều hộ có truyền thống và kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò nhằm tận dụng diện tích chăn thả rộng rãi. Tuy nhiên, kỹ thuật chăn nuôi và khâu tiêu thụ còn nhiều hạn chế, thiếu vốn, thiếu chủ động và định hướng lâu dài. Chúng tôi thành lập HTX nhằm hỗ trợ nhau mọi vấn đề trong chăn nuôi, nhất là liên kết tìm đầu ra và xuất khẩu sản phẩm.
Đánh giá về các HTX nông nghiệp trên địa bàn, anh Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Các HTX ra đời đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, nguyện vọng của các thành viên, đó là yếu tố bền vững đảm bảo cho các đơn vị hoạt động đúng bản chất, thực chất và hiệu quả. Nhiều HTX có phương án sản xuất - kinh doanh rõ ràng, phù hợp với thực tế và xu hướng thị trường. Điều đáng mừng là nhiều HTX đã quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm.
Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 59 HTX (tăng 31 đơn vị so với năm 2011) với đa dạng các ngành nghề, trong đó có 57 HTX đang hoạt động với tổng số 737 thành viên (tăng gần 200 thành viên so với năm 2015). Đáng chú ý là tất cả các HTX hiện nay đều hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, đúng Luật HTX năm 2012 (huyện đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các HTX kiểu cũ từ năm 2016, trong khi nhiều địa phương khác vẫn đang gặp khó khăn, lúng túng về việc này). Doanh thu bình quân của một HTX/năm đạt gần 1,5 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2015…
Cùng với sự năng động, nội lực của các HTX, huyện Võ Nhai đã và đang quan tâm triển khai đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể. Cụ thể như: Năm 2019 có 2 HTX được hỗ trợ 70 triệu đồng để thu hút người tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn (dự kiến năm nay có 5 đơn vị được hỗ trợ tổng 175 triệu đồng); trong năm 2018 và 2019, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai hỗ trợ 2 HTX nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất với tổng kinh phí trên 550 triệu đồng (năm nay tiếp tục hỗ trợ 2 HTX với số kinh phí tương tự); trong 2 năm 2019-2020, huyện triển khai hỗ trợ 2 HTX xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng. Ngoài các nguồn vốn từ cấp trên, trong giai đoạn 2015-2020, huyện trích ngân sách 333 triệu đồng để hỗ trợ 2 HTX…
Theo ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, một nguyên nhân quan trọng nữa giúp khu vực kinh tế HTX trên địa bàn có sự khởi sắc là huyện chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi kinh tế tập thể, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả. Hoạt động tuyền truyền đã từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân về những ưu điểm và vai trò của kinh tế HTX. Đó cũng là những giải pháp mà huyện sẽ tiếp tục quan tâm triển khai trong thời gian tới.