Ngành chăn nuôi chủ động thích ứng

10:47, 25/08/2020

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8 mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các ngành hàng nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những thách thức và cách mà các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã, đang và sẽ đưa ra để thích ứng.

Tham gia EVFTA, EU sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam và Việt Nam cũng xóa bỏ 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; những dòng thuế khác áp dụng hạn ngạch, giảm về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trước mắt, các hộ chăn nuôi sẽ chịu sức ép lớn, đặc biệt là việc cạnh tranh về giá và chất lượng thực phẩm, nhất là đối với sản phẩm thịt lợn.

Bởi thực tế, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng gia trại, việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, dẫn đến giá thành sản xuất cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019 khiến giá lợn giống hiện vẫn rất cao, giá thức ăn cũng tăng, ảnh hưởng lớn đến giá thành. Hiện, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống dao động ở mức từ 140.000-160.000 đồng/kg tùy loại, trong khi thịt lợn đông lạnh nhập khẩu được rao bán với giá trung bình 135.000 đồng/kg và có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới khi sản phẩm thịt được nhập về nhiều hơn. Sự chênh lệch này cũng có thể khiến người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Kiên, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Ngò Thái, xã Tân Đức (Phú Bình) bày tỏ: Giờ đây, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học; đồng thời, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để cạnh tranh về giá bên cạnh chất lượng sản phẩm. Cụ thể, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng trang trại, nâng quy mô nuôi từ 300 con lên 1.000 con và hướng tới chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thuê kỹ sư chăn nuôi phụ trách công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh và tìm nhập nguồn giống tốt để chăn nuôi.

Không chỉ riêng các hộ chăn nuôi lợn, các hộ chăn nuôi gia cầm cũng đang chủ động vượt qua thách thức trong giai đoạn bắt đầu triển khai Hiệp định EVFTA. Ông Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Công ty chúng tôi, hiện đang liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với hơn 50 trang trại nuôi lợn, gà, vịt. Nhận định tình hình trong thời gian tới, việc tiêu thụ gà, đặc biệt là gà lông trắng sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với gà nhập khẩu, vì vậy, Công ty đang khuyến khích các hộ nuôi gà lông trắng chuyển sang nuôi gà lông màu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khép kín từ con giống, tới chăm sóc, chế biến sản phẩm; xây dựng tem, nhãn mác để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, thời gian qua, tỉnh ta đã có những chiến lược phát triển chăn nuôi. Nhờ vậy, chất lượng đàn giống vật nuôi đã được cải thiện rõ rệt. Tính đến hết tháng 6, tổng đàn lợn đạt trên 545 nghìn con; đàn trâu, bò đạt hơn 11 nghìn con; đàn gia cầm trên 13,3 triệu con. Trong đó, tỷ lệ đàn bò lai đạt 60% (tăng 26%); tỷ lệ đàn lợn ngoại, lợn lai có năng suất cao đạt 70% (tăng 30%) và tỷ lệ đàn gia cầm có chất lượng đạt 80%, tăng 45% so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện có 668 trang trại, trong đó có trên 400 trang trại gia cầm, còn lại là trang trại lợn, chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt trên 70.190 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Để khai thác được tối đa lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Cụ thể như, tập trung phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và có năng suất, chất lượng cao, giảm tối đa chi phí sản xuất. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh trên sân nhà. Về phía Chi cục, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, tham mưu cho sở Nông nghiệp - PTNT, UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.