Nỗ lực của huyện vùng cao

08:53, 28/08/2020

Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2010, huyện Võ Nhai có tới 13/14 xã đặc biệt khó khăn có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 4 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo trên 43%… Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện, Chương trình đã tác động tích cực trên các mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

Xây dựng NTM được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm để đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Huyện đã tập trung khai thác mọi thế mạnh, sản phẩm chủ lực gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời mở rộng các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.

Cùng với đó, huyện huy động các nguồn lực gồm nguồn lực trực tiếp cho NTM từ ngân sách tỉnh, địa phương, xã hội hóa và nguồn lực huy động từ các chương trình khác như: Vốn đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn; vốn phát triển huyện nghèo 30a của Chính phủ; vốn xây dựng trường chuẩn Quốc gia… để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cải thiện môi trường, kiên cố hóa trường lớp học… Huyện cũng triển khai Phong trào “Vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa dần đường xấu, lầy lội” đến các xóm, cụm dân cư.

Kết quả, trong gần 10 năm qua, Võ Nhai đã huy động được trên 411 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 228 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 172 tỷ đồng... Qua đó, huyện đã xây dựng mới 14 nhà văn hoá, 3 khu thể thao cấp xã; xây mới, sửa chữa 142 nhà văn hoá xóm; xây mới 2 trường mầm non, nâng cấp 59 trường học đạt chuẩn; hoàn thiện trên 330km đường giao thông nông thôn, 14 cầu tràn, 4 đập dâng, gần 26km kênh mương thủy lợi... Cùng với đó, người dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện đóng góp trên 500 nghìn ngày công, hiến trên 400 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình NTM.

Với sự chung sức đồng lòng của nhân dân, sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, đến nay, toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đã tăng lên 13,8 tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cũng giảm từ 42% năm 2011 xuống 13,63% năm 2019 và kế hoạch sẽ giảm xuống dưới 10% vào cuối năm nay. Mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho từ trên 1,3 nghìn đến gần 1,8 nghìn người, vượt chỉ tiêu kế hoạch từ 33% đến gần 80%/năm; toàn huyện đã có trên 10 nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp.

Huyện Võ Nhai cũng phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có 6/14 xã đạt chuẩn NTM trong đó có xã Bình Long. Ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long chia sẻ: Bình Long còn 5 tiêu chí chưa hoàn thành gồm: Cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Xã và các cơ quan chuyên môn của huyện đang rà soát, đánh giá từng tiêu chí kịp thời giải quyết những vướng mắc. Trước mắt, xã sẽ tập trung hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình xây dựng NTM ở huyện Võ Nhai cũng còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp; phát triển sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Ông Nông Minh Tuấn, Phó Chánh văn phòng NTM huyện Võ Nhai cho biết: Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 9/14 xã đạt chuẩn NTM trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu. Đây là mục tiêu khó bởi các xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Do vậy, để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của huyện, rất cần sự quan tâm của tỉnh nâng mức hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM đồng thời có cơ chế riêng hỗ trợ nguồn lực cho các xóm xây dựng xóm NTM kiểu mẫu trên địa bàn.