Nhằm hạn chế dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường (BVMT), 3 năm trở lại đây, các chủ trang trại, gia trại trên địa bàn phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đã chú trọng đầu tư hệ thống chuồng trại, xử lý chất thải... góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập.
Bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn cho biết: Trên địa bàn phường có gần 100 trang trại, gia trại chăn nuôi gà và lợn. Bởi vậy, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp BVMT trong chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chuyên môn của Thành phố tổ chức tập huấn cho các hộ cách xử lý chất thải; thành lập đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra môi trường…
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng, ở tổ dân phố Sau, chúng tôi thấy có 6 dãy chuồng. Trong mỗi dãy chuồng (rộng từ 300-500m2) đều có hệ thống làm mát, hệ thống hút gió, hút mùi… giữ cho chuồng chăn nuôi luôn khô thoáng, hạn chế mùi phát tán ra môi trường. Ông Hùng cho hay: Gia đình tôi đang nuôi 60 con lợn nái, 50 con lợn hậu bị và 900 con lợn thịt. Khi làm chuồng, tôi đã thiết kế luôn hệ thống hút mùi cho từng dãy chuồng, 2 bể biogas (dung tích từ 70-100m3/bể), 2 bể lắng (50m3/bể) và 1 ao để lọc chất thải có dung tích 2.500m3. Tôi thấy rằng, chỉ có làm tốt công tác xử lý chất thải, mùi hôi trong chăn nuôi mới có thể hạn chế được dịch bệnh, vật nuôi lớn nhanh hơn, từ đó không bị thiệt hại về kinh tế. Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí, tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Cũng như gia đình ông Hùng, chị Vũ Thị Tuyết Nhung, ở tổ dân phố Pha cũng đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh cho trang trại nuôi gà của gia đình.ChịNhung chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi 30.000 con gà lai hồ. Từ khi gà được 7 ngày tuổi, tôi rắc men vi sinh cho chuồng nuôi 1 lần/tuần. Còn khu vực thả gà, tôi rải cát và rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng 3 ngày/lần, đồng thời dùng men vi sinh khử mùi hôi và thu gom chất thải định kỳ… Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 3 lứa gà, trừ hết chi phí thu lãi từ 500-600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Để giúp các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT trong chăn nuôi, chịHàVân Nga, cán bộ khuyến nông phường Lương Sơn nói: Song song với việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của tổ dân phố, chúng tôi còn trực tiếp xuống từng hộ dân hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học, cách phun thuốc sát trùng, khử khuẩn, hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải đúng quy trình, hợp vệ sinh. Nhờ đó, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các trang trại gà, lợn trên địa bàn cơ bản được khắc phục.
Theo bà Dương Thị Lưu: Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi gắn với BVMT, phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong việc BVMT chăn nuôi, khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân không xả chất thải trực tiếp ra môi trường… nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra.