Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại

15:45, 10/08/2020

Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Trước năm 2015, gia đình ông Phạm Tiến Thành, xóm Trà Viên, xã Đồng Liên chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ đầu năm 2015, gia đình ông đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng 2 khu chuồng nuôi lợn thương phẩm. Ông Thành cho biết: Mỗi lứa lợn tôi nuôi khoảng 200-300 con, nhờ bán được giá, ổn định nên mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 500-600 triệu đồng.

Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, nhưng anh Ngô Văn Khởi, xóm Thịnh, xã Thịnh Đức lại lựa chọn chăn nuôi gà. Trong quá trình nuôi, anh liên kết với Công ty Thực phẩm Hoa Kỳ, có địa chỉ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Từ năm 2019 đến nay, anh đã nuôi được 6 lứa gà, mỗi lứa nuôi từ 4.000-5.000 con. Anh Khởi chia sẻ: “Với phương thức chăn nuôi liên kết, tôi chỉ phải đầu tư chuồng trại, công chăm sóc, phía công ty cung ứng giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Bởi vậy đã hạn chế được rất nhiều rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nên thu nhập từ việc chăn nuôi gà của tôi khá ổn định”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc chăn nuôi theo quy mô trang trại trên địa bàn T.P Thái Nguyên “nở rộ” trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu như, năm 2015 trên địa bàn T.P Thái Nguyên chỉ có 80 trang trại chăn nuôi thì đến nay trên địa bàn có 243 trang trại, trong đó có 146 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, 12 trang trại nuôi gà đẻ trứng và 85 trang trại chăn nuôi lợn.

Các trang trại tập trung nhiều ở các xã vùng ven như: Đồng Liên, Sơn Cẩm, Linh Sơn, Thịnh Đức, Tân Cương… Thực tế cho thấy, nhờ vào sự năng động, biết khai thác tiềm năng, mạnh dạn đầu tư sản xuất thei quy mô lớn nên các hộ đều có mức thu nhập khá cao. Theo thống kê của phòng chuyên môn Thành phố số trang trại chăn nuôi trên địa bàn có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở xuống đạt 60%, trang trại có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên đạt khoảng 40%.

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho hay: Việc phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại không những mang lại hiệu quả kinh tế cao so với chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn hạn chế được dịch bệnh và dễ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên năng suất và chất lượng sản phẩm đảm bảo. Không những thế, việc chăn nuôi tập trung còn giúp các hộ có điều kiện liên kết với các công ty trong hỗ trợ, tạo điều kiện trong sản xuất và chủ động đầu ra cho sản phẩm.

Nhằm giúp người dân trên địa bàn mở rộng, phát triển chăn nuôi, thời gian qua các phòng, ban chuyên môn của T.P Thái Nguyên luôn tạo điều kiện, giúp đỡ các hộ về các nội dung như: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng phục vụ phòng trừ dịch bệnh... Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố triển khai nhiều chương trình khuyến nông, giới thiệu giống gia súc, gia cầm mới để người dân tiếp cận, lựa chọn.

Được biết, để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian tới T.P Thái Nguyên sẽ quy hoạch thêm các vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích, hỗ trợ người dân chăn nuôi theo quy mô trang trại và áp dụng công nghệ cao, an toàn sinh học vào chăn nuôi. Hiện, Thành phố cũng đang lập phương án di dời các trang trại, gia trại không đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khu dân cư đến vùng chăn nuôi tập trung.