Cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế

08:43, 24/09/2020

Những năm qua, bằng các hình thức hỗ trợ hội viên vay vốn, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị, thúc đẩy các chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh… các cấp Hội Nông dân T.P Thái Nguyên đã phát huy tốt vai trò là cầu nối hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Một trong những việc làm thiết thực đó là công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương, tích cực đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị. Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, xóm Tân Phong, xã Cao Ngạn là một ví dụ điển hình mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ. Ông từng thử sức với nhiều mô hình như nuôi thỏ, nuôi lợn đến trồng hoa, cây ăn quả… nhưng không đem lại thu nhập cao.

Khoảng 7 năm trước, sau khóa tập huấn, tham quan học hỏi các mô hình kinh tế do Hội Nông dân xã tổ chức, ông quyết định đầu tư trang trại chăn nuôi gà gia công (hình thức liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng công nghiệp). Trang trại được có diện tích 960m2 với quy mô 8-10.000 con/lứa, có hệ thống điện chiếu sáng, quạt thông gió tự động… đã dần đem lại nguồn thu ổn định trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Hùng cho biết: Gia đình tôi được sự giúp sức rất nhiều từ tổ chức Hội. Vào thời điểm tháng 7-2016, trong một trận mưa giông lớn, trang trại không may bị sét đánh trúng làm cháy 12 chiếc quạt thông gió và 8.000 con gà chết do bị ngạt khí, thiệt hại trên 600 triệu đồng. Lúc này, tôi tiếp tục được Hội Nông dân xã giúp đỡ khi đứng ra tín chấp vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100 triệu đồng để gia đình tái đàn và duy trì ổn định trở lại.

Bên cạnh quan tâm, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội cũng phát huy tốt vai trò cầu nối liên kết kinh tế tập thể, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đơn cử như năm 2019, Hội Nông dân phường Túc Duyên đã đứng ra vận động 30 hộ dân tại tổ dân phố 21, 22, 23 thành lập tổ liên kết trồng hoa. Trước thực trạng các hộ trồng hoa ở đây chưa có sự gắn kết trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh đó giá hoa thường xuyên lên xuống thất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định… Tổ liên kết được thành lập góp phần giải quyết những vấn đề này.

Ông Nguyễn Thành Viên, thành viên tổ liêt kết cho biết: Các thành viên trong tổ được Hội Nông dân phường kết nối với các chuyên gia chuyển giao khoa học kỹ thuật, cập nhật tài liệu, kiến thức kỹ thuật canh tác mới. Đồng thời qua các buổi sinh hoạt, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn, đầu ra cho sản phẩm. Thu nhập từ các hộ thành viên trong tổ vì thế cũng tăng thêm từ 15-20 triệu đồng mỗi vụ.

Thời gian qua, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi được Hội Nông dân T.P Thái Nguyên thực hiện xuyên suốt bằng nhiều giải pháp. Trong đó, các cơ sở Hội đã linh hoạt, sáng tạo thực hiện các chương trình; tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, chăn nuôi.

Ông Vũ La Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân T.P Thái Nguyên thông tin: Từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều hình thức hỗ trợ của các cấp Hội đã góp phần đưa tỷ lệ số hộ hội viên có thu nhập ổn định, thu nhập tăng thêm đạt hơn 150 triệu đồng/hộ/năm, chiếm 70% trên tổng số gần 20.000 hộ hội viên toàn thành phố. Cũng trong 5 năm qua, thành phố có trên 43.000 lượt hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Để giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các cấp Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh với tổng dư nợ trên 66 tỷ đồng, cho trên 2.700 lượt hộ vay.

Cùng với đó, Hội chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức 145 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 9.000 lượt hội viên; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố tổ chức 12 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hàng trăm học viên với nhiều ngành nghề khác nhau… Nhờ vậy các hội viên đã có thêm tư liệu, nguồn vốn áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập.